Huyện A Lưới (Thừa Thiên – Huế) có khoảng 4150 trẻ em dưới 5 tuổi, chiếm gần 10% dân số toàn huyện. Kết quả khảo sát (công bố tháng 4/2010) của các bác sĩ Trung tâm Y tế A Lưới cho thấy, tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi ở A Lưới đã đến mức báo động.
Theo đó, trẻ em dưới 5 tuổi thiếu dinh dưỡng theo cân nặng độ I là 25,9%, độ II là 13,2%; theo chiều cao độ I, II lần lượt là 27,1% và 16,3%. Trong đó, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em theo cân nặng của dân tộc Tà Ôi cao nhất chiếm 44%. Dân tộc Katu có tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng theo chiều cao chiếm nhiều nhất 47,1%; với dân tộc Pa Cô, Tà Ôi lần lượt là 42,7% và 44,8%.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do “trình độ văn hóa” của bà mẹ còn thấp. Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở các bà mẹ mù chữ theo cân nặng là 44,8%, theo chiều cao là 48%. Trong khi đó, các bà mẹ có trình độ đại học, cao đẳng tỷ lệ suy dinh dưỡng theo cân nặng chỉ là 23,5% và theo chiều cao là 35,3%. Đông con cũng là nguyên nhân đáng lưu ý, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở nhóm bà mẹ có một con theo cân nặng và chiều cao lần lượt là 35,6% và 41,3%. Trong khi đó, ở nhóm bà mẹ có 2 con trở lên là 40,5% và 41,6%. Chế độ làm việc nặng nhọc trong lúc các bà mẹ mang thai cũng góp phần làm tăng tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng ở A Lưới. Có tới 39,8% trẻ em suy dinh dưỡng theo cân nặng và 43,2% theo chiều cao là ở nhóm bà mẹ mang thai vẫn lao động bình thường. Trong khi đó, ở nhóm bà mẹ mang thai được nghỉ ngơi chủ yếu lần lượt là 37% và 41,7%.
Từ thực tế trên cho thấy, cần quan tâm đúng mức hơn về chương trình phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ em vùng miền núi khó khăn như đáp ứng nhu cầu thực phẩm từ đa dạng hóa và tăng năng suất cây trồng vật nuôi. Tiếp tục thúc đẩy các chương trình xóa đói giảm nghèo, lồng ghép mục tiêu dinh dưỡng. Cải thiện cơ sở hạ tầng, dịch vụ thiết yếu cho công tác chăm sóc bà mẹ, trẻ em. Khôi phục và nâng cao chất lượng hệ thống nhà trẻ mẫu giáo ở khu vực vùng sâu, vùng xa…