– Thưa bà, hành vi xâm hại trẻ em thường rơi vào các đối tượng nào?
– Đối tượng cũng rất đa dạng, trong đó có chủ doanh nghiệp sử dụng lao động trẻ em. Họ vừa bóc lột sức lao động, lại vừa có những hành vi đánh đập rất dã man. Nhóm trẻ em có nguy cơ bị xâm hại cao nhất là không có cha mẹ, cha mẹ có tiền án, tiền sự, ở vùng sâu, vùng xa…
Ở những vùng đó, kiến thức và phương pháp giáo dục của nhiệu bậc cha mẹ chưa có hoặc thương yêu, bảo vệ con cái rất bản năng. Thậm chí họ quan niệm, đánh con cũng là một phương pháp giáo dục: “thương cho roi, cho vọt”. Phương pháp, thói quen giáo dục con cái theo hình thức đó rất lạc hậu, do vậy phải tập huấn, tuyên truyền cho các bậc cha mẹ này về phương pháp giáo dục con cái.
Bà Trần Thị Thanh Thanh. Ảnh: Q. Phong. |
– Nhưng bản thân trẻ em cũng cần được tuyên truyền, giáo dục để bảo vệ bản thân mình, phòng tránh bị xâm hại?
– Trước hết, bản thân trẻ em bị xâm hại phải hiểu biết về quyền của mình để tự đấu tranh, tìm cách thoát ra khỏi sự xâm hại đó. Tuy nhiên, trẻ em ở nước ta hoàn toàn thiếu những kỹ năng này. Hai trường hợp điển hình là em Nguyễn Thị Bình (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) trong gần 10 năm (từ năm 1999-2007) bị chủ nhà không cho tiếp xúc với xã hội, không được học hành, bị chửi mắng, đánh đập. Mới đây là em Hào Anh ở Cà Mau bị đánh đập đến mức tổn thương gần 70% sức khỏe. Phần lớn trẻ em bị xâm hại bị đối tượng hành hung đe dọa nên phải cam chịu với số phận. Đúng ra, người lớn phải có trách nhiệm giáo dục cho các em biết được quyền của mình và phương pháp tự bảo vệ quyền lợi của bản thân. Đây cũng là vấn đề đặt ra cho cơ quan chức năng và nền giáo dục.
– Vậy còn đối với các cơ quan chức năng có trách nhiệm trong việc bảo vệ quyền của trẻ em, họ đứng ở đâu trong các vụ xâm hại trẻ em thời gian qua?
– Trách nhiệm của chính quyền địa phương như thế nào đã được nêu rõ trong Chỉ thị số 1408/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về công tác Bảo vệ, chăm sóc trẻ em: “Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu để xảy ra tình trạng xâm hại, bạo lực, mua bán trẻ em, vi phạm quyền trẻ em tại cơ sở”. Chính sách, pháp luật bảo vệ quyền của trẻ em đã có, tuy nhiên lại chưa có lực lượng để thực thi đầy đủ. Do vậy, cần có lực lượng làm công tác này ở từng địa phương.
Trong vụ việc cháu Hào Anh ở Cà Mau bị hành hạ dã man có trách nhiệm của chính quyền địa phương. Ảnh: Trung Dân. |
– Dư luận cho rằng căn bệnh vô cảm, bàng quan của nhiều người dân và chính quyền địa phương vô hình trung đã tiếp tay cho bạo hành trẻ em?
– Thực tế phần lớn các vụ xâm hại trẻ em đều do người dân phát hiện và báo chính quyền nên không thể nói họ bàng quan. Phát hiện vụ việc chậm là do người dân chưa có ý thức phản ứng với việc xâm hại trẻ em một cách mạnh mẽ, phần vì sợ liên lụy, bị trả thù nên không dám lên tiếng. Còn nói chính quyền bàng quan cũng đúng. Nhưng điều đó phản ánh cơ chế quản lý và vai trò của các tổ chức xã hội trong việc bảo vệ quyền lợi trẻ em hiện còn rất yếu kém.
– Theo bà, các đối tượng hành hạ dã man cháu Hào Anh sẽ phải chịu trách nhiệm như thế nào trước pháp luật?
– Qua hàng loạt vụ xâm hại trẻ em gia đình, người thân tự bãi nại hoặc tòa án áp dụng những tình tiết làm giảm nhẹ án của tội phạm. Những người “cầm cân nảy mực” thường đứng ở góc độ quyền lợi của người lớn mà chưa thấy chú ý đến quyền lợi của trẻ em. Thực ra, bảo vệ quyền lợi của trẻ em cũng phải dựa vào từng đối tượng cụ thế. Theo tôi, trong vụ việc trên, các đối tượng đã vi phạm Bộ luật Hình sự và Luật Lao động. Tuy nhiên, trong trường hợp của cháu Hào Anh và một số vụ việc khác, tôi chưa thấy ai đề cập nhiều đến khía cạnh Luật Lao động. Nếu áp dụng cả 2 điều luật này, các đối tượng hành hạ cháu Hào Anh phái lĩnh trên 10 năm tù.
– Xin cảm ơn bà!
Thiếu mạng lưới phát hiện sớm trẻ bị xâm hạiÔng Nguyễn Trọng An, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc quyền trẻ em (Bộ LĐ- TB- XH) cho biết, tháng 12/007, Ủy ban Dân số, gia đình và trẻ em giải thể khiến mạng lưới 62.000 cộng tác viên dân số, gia đình, trẻ em làm công tác truyền thông của ủy ban này ngừng hoạt động. Trong khi đó, lực lược hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi của trẻ của Bộ LĐ- TB- XH hiện lại rất mỏng, thiếu trình độ, kỹ năng làm việc với trẻ em. Chính vì vậy, việc phát hiện sớm trẻ bị xâm hại là rất khó khăn. |