Khi trẻ bị mắc bệnh viêm đường hô hấp trên từ 6 – 8 lần trong một năm thường có khuynh hướng phát triển thành bệnh viêm xoang mạn tính. Nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời bệnh sẽ gây những biến chứng nguy hiểm.
Mới 1 – 2 tháng tuổi đã viêm xoang
Bé Nguyễn Trần T. (Hoài Đức, Hà Nội) bị sốt cao 39-40 độ C, người mệt mỏi, ăn kém, mắt trái bị sưng tấy, dần lồi ra phía trước. Gia đình đưa bé tới bệnh viện, chích áp-xe mắt thì đỡ sưng nhưng 10 ngày sau mắt lại sưng hơn. Các bác sĩ cho bé chụp CT scan và chẩn đoán là viêm đa xoang mạn tính có biến chứng mắt, thị lực giảm nghiêm trọng phải phẫu thuật.
PGS.TS Nguyễn Thị Dinh, Nguyên Giám đốc bệnh viện Tai Mũi Họng T.Ư, trưởng phòng khám Tai mũi họng bệnh viện Hồng Hà cho biết, bệnh viêm đường hô hấp trên dẫn tới viêm xoang mạn tính ở trẻ em ngày càng gia tăng nhanh chóng. Nguyên nhân chính là do ô nhiễm môi trường và hệ miễn dịch của trẻ còn non nớt, dễ bị viêm nhiễm ở khu vực mũi xoang và mắt. Những viêm nhiễm này ban đầu do nhiễm virus (cảm cúm), song nếu kéo dài quá 10 ngày mà trẻ vẫn ốm, mệt thì có thể nghĩ tới viêm xoang. Thực tế, ngay từ khi trẻ 1 tháng tuổi đã có thể bị viêm xoang do nhiễm khuẩn ối, viêm mũi kéo dài… Tại VN, tỷ lệ viêm xoang ở trẻ là 1,7%. Điều đáng quan tâm là bệnh ngày càng tăng, nhất là trẻ em dưới 6 tuổi, trong đó tỷ lệ biến chứng là 1-3%. Viêm xoang cấp và mạn tính ở trẻ em, nếu không điều trị kịp thời và hiệu quả, đều có khả năng gây nên những biến chứng nguy hiểm như viêm phế quản, viêm tai giữa, viêm màng não… và đặc biệt là biến chứng mắt.
TS. Dinh cảnh báo, biến chứng mắt do viêm xoang trẻ em là biến chứng thường gặp. Nguy cơ biến chứng mắt chiếm tỷ lệ 75 – 85% trong số các biến chứng do bệnh lý xoang mặt gây nên. Khi mắt bị viêm và phù nề dữ dội sẽ khiến mắt bị đẩy lồi ra phía trước, nhãn cầu bị hạn chế vận động, bị mù hoàn toàn nếu thiếu máu cục bộ kéo dài trong 90 phút. Đặc biệt, khi viêm gây sụp mi, giãn nở đồng tử, giảm cảm giác giác mạc… là đã bị hội chứng đỉnh ổ mắt: có khe ổ mắt trên và lỗ thị giác gây nên đau đầu dữ dội và giảm thị lực trong huyết khối xoang hang; nếu không điều trị kịp thời sẽ lan sang hai mắt và nhanh chóng dẫn tới mù.
Dễ chẩn đoán nhầm
TS. Dinh cho biết, trẻ thường bị viêm đường hô hấp trên từ 6- 8 lần trong một năm nên rất khó chẩn đoán viêm xoang mạn tính vì vậy chỉ có thể dựa vào thời gian kéo dài của bệnh, mức độ nặng của bệnh mà nghĩ tới viêm xoang. Các triệu chứng của bệnh viêm xoang mạn tính ở trẻ là ho, hơi thở hôi, trẻ ốm yếu, kém sinh lực, mắt quầng, chảy mũi đặc xanh, luôn có mũi chảy xuống họng. Chảy mủ mũi và ho dai dẳng thường gặp ở trẻ em nhỏ, trẻ lớn hơn hay có triệu chứng chảy mủ xuống họng. Theo PGS.TS Dinh, để phòng viêm xoang, cha mẹ cần phòng ngừa bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp cho trẻ bằng việc mặc ấm khi thời tiết rét, cho trẻ sống trong môi trường sạch sẽ, tránh bụi, khói, đặc biệt khói thuốc lá. Trẻ cần có chế độ dinh dưỡng khoa học, tăng cường trái cây, rau xanh và tập luyện thể dục để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Trẻ phải điều trị kháng sinh theo sự chỉ dẫn chặt chẽ của bác sĩ.