Gần đây, liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh các vụ bạo hành, ngược đãi trẻ em đã gây bất bình trong dư luận xã hội. Thậm chí, những hành vi bạo lực, ngược đãi trẻ xuất phát từ ngay chính cha mẹ các em, khiến cho xã hội phải giật mình.
Cháu Nguyễn Hào Anh (14 tuổi ) bị vợ chồng chủ ngược đãi, đánh đập hành hạ dã man, tỷ lệ thương tật gần 67%.
Điều đáng quan tâm ở đây đó là những đứa trẻ bị bạo hành không chỉ đau đớn về thể xác mà còn bị tổn thương về tinh thần, nó sẽ ảnh hưởng đến nhân cách của đứa trẻ sau này. Phóng viên báo VnMedia đã có cuộc trao đổi với bà Đỗ Thị Ngọc Phương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, Chăm sóc Trẻ em.
Trong thời gian gần đây, báo chí liên tục phản ánh các vụ bạo hành ngược, đãi trẻ em dã man. Bà có suy nghĩ gì?
Thật đau lòng, những đứa trẻ đáng ra phải được sự chăm sóc, bảo vệ của gia đình, xã hội thì chúng lại phải gánh chịu những trận đòn roi, ngược đãi dã man. Đây là trách nhiệm chung của cả gia đình, xã hội, những người làm công tác chăm sóc trẻ em, đặc biệt là Bộ Lao động Thương binh Xã hội là cơ quan quản lý về công tác trẻ em. Chúng tôi đều xác định trách nhiệm đối với các trường hợp xâm hại, bạo hành trẻ em. Sau khi phát hiện, ngành lao động thương binh và xã hội đã tích cực phối hợp với các bộ ngành liên quan để tham mưu các cấp, giải quyết một cách tích cực nhất, đặc biệt các vụ gần đây đảm bảo cho trẻ là nạn nhân được chăm sóc, trợ giúp để phục hồi và ổn định cuộc sống.
Thưa bà, những vụ được báo chí đưa ra chỉ là một trong những vụ “điểm”. Vậy chính quyền địa phương và những người xung quanh có trách nhiệm gì khi chiều hướng các vụ bạo hành ngày càng gia tăng?
Hiện nay, tình trạng bạo hành, ngược đãi trẻ em trên phạm vi toàn quốc ngày càng gia tăng cả về mức độ phức tạp và gây hậu quả nghiêm trọng. Trách nhiệm của các cấp chính quyền, tổ chức đoàn thể trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em đã được quy định trong trong các văn bản pháp luật. Theo Chỉ thị 1408 mới đây của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, quy định trách nhiệm cụ thể: “Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng xâm hại, bạo lực, mua bán trẻ em, vi phạm quyền trẻ em tại địa phương”.
Nhưng, trong quá trình thực hiện có một số cán bộ không làm tròn trách nhiệm, thực hiện chưa nghiêm, chưa đầy đủ kịp thời đã để xảy ra sai sót. Nguyên nhân có thể là do năng lực yếu kém, thiếu kiểm tra, giám sát, hoặc sự thiếu tinh thần trách nhiệm.
Trên thực tế, nhiều vụ việc gia đình, người dân không tố cáo, địa phương không phát giác kịp thời nên đã không được giải quyết ngay. Điều này cho thấy, nhận thức của gia đình và của người dân sống trong cộng đồng chưa thấy được tầm quan trọng của vấn đề phát giác, tầm quan trọng của vấn đề bảo vệ quyền lợi cho đứa trẻ.
Thực tế, nhiều người dân không dám tố cáo vị sợ bị trả thù. Ý kiến của bà về vấn đề này?
Hiện pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể về việc giám sát xã hội với các hành vi xâm hại trẻ em, chưa có quy định về tố giác bắt buộc với người là nhân chứng của tội phạm bạo hành với trẻ em, không quy định quy trình, thủ tục riêng về phát hiện các trường hợp xâm hại trẻ em. Đặc biệt, pháp luật và những người thi hành pháp luật chưa tạo mọi điều kiện an toàn, thuận lợi để nhân dân cung cấp thông tin. Chưa có quy định cho việc bảo vệ nhân chứng, bảo vệ những người tố giác tội phạm. Do vậy, người dân không dám khai báo hay can thiệp vì không có các chế tài bảo vệ an toàn cho cuộc sống của bản thân họ.
Bên cạnh đó là sự thờ ơ, vô cảm của cán bộ cơ sở, những người dân sống xung quanh. Việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em phải xuất phát từ tình thương yêu giữa con người với con người, tinh thần trách nhiệm đối với trẻ em. Chúng ta cần phải từng bước đẩy lùi sự vô cảm đang tồn tại và lan rộng trong xã hội, đặc biệt và sự vô cảm trước nạn bạo hành, ngược đãi trẻ em. Từ đó, trẻ em mới được bảo vệ kịp thời và thực hiện quyền lợi của mình.
Những trẻ bị bạo hành thường là những trẻ có hoàn cảnh gia đình khó khăn, nghèo đói, bị bỏ rơi… Vậy nghèo đói có phải là nguyên nhân dẫn tới bạo hành, ngược đãi trẻ em?
Nghèo đói cũng là một nguyên nhân, nhưng vấn đề chính ở đây đó là nhận thức của gia đình các em, nhận thức của người gây ra hành vi phạm pháp. Họ không hiểu biết đầy đủ về pháp luật, không hiểu biết đầy đủ về quyền lợi của đứa trẻ và đã gây ra những tổn thương cho chúng. Nhiều trường hợp nêu ra là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, nhưng nếu bản thân cha mẹ hiểu biết về pháp luật, hiểu biết về quyền lợi trẻ em thì khi sự việc xảy ra, họ phải biết cách kịp thời bảo vệ con mình.
Xin bà cho biết, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã có biện pháp gì để bảo vệ trẻ em bị ngược đãi?
Hiện nay, Cục Bảo vệ, Chăm sóc Trẻ em đang phối hợp với các tổ chức quốc tế tại Việt Nam thí điểm mô hình Hệ thống bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng tại 15 tỉnh, thành. Nếu mô hình này được nhân rộng sẽ tạo nên cơ chế thống nhất từ Trung ương tới địa phương, đặc biệt là cấp cơ sở về cơ chế phát hiện, báo cáo và xử lý những trường hợp trẻ em bị ngược đãi.
Ngoài ra, thheo Chỉ thị 1408, Chính phủ đã đề nghị Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tham mưu và xây dựng sớm Chương trình Mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015. Đây sẽ là những giải pháp tích cực, tạo sự đồng bộ trong việc hỗ trợ, chăm sóc trẻ em.
Xin cảm ơn bà!