Việc tăng cường chăm sóc trẻ sơ sinh ở tháng tuổi đầu tiên của cuộc đời là thiết yếu để giảm số trẻ em bị chết ở các nước đang phát triển.
Nhận định trên được Tổ chức y tế thế giới (WHO) nêu rõ trong báo cáo mới nhất về thực hiện “Các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG)” được công bố trong Thống kê sức khỏe thế giới 2010.
Dự tính có tới 40% trẻ em dưới 5 tuổi bị chết trên thế giới xảy ra ở tháng đầu tiên của cuộc đời, chủ yếu trong tuần đầu tiên.
Báo cáo trên đưa ra các số liệu đáng phấn khởi cho thấy số trẻ em dưới 5 tuổi bị chết đã giảm 30%, từ 12,5 triệu em năm 1990 xuống còn 8,8 triệu em trong năm 2008.
Với 5 năm còn lại trước thời hạn MDG 2015, một số tiến bộ đáng kể trong việc thực hiện MDG về sức khỏe đã đạt được.
Chẳng hạn, tỷ lệ phần trăm trẻ em bị thiếu cân ước tính giảm từ mức 25% trong năm 1990 xuống còn 16% trong năm 2010; trẻ em bị nhiễm HIV giảm 16% trong thời gian từ năm 2001 đến 2008 và tỷ lệ phần trăm dân số thế giới được tiếp cận với nguồn nước sạch đã tăng từ 77% lên 87%.
Tuy nhiên, kết quả trên toàn cầu đánh dấu sự không đồng đều giữa các nước và các khu vực. Một số nước bị chậm lại trong việc thực hiện MDG bởi xung đột, quản lý kém hoặc khủng hoảng nhân đạo và kinh tế.
Theo ông Ties Boerma, Giám đốc Bộ thống kê và tin học của WHO, nhiều nước có thu nhập thấp đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc giảm số trẻ em chết yểu, trong đó có Liberia, Sierra Leone, Mozambique và Rwanda.
Một vài nước đang phát trển đã trở lại đúng hướng trong việc đạt được các mục tiêu MDG, như Trung Quốc và Ai Cập.
Nhưng việc định lượng là một thách thức và cần đầu tư nhiều hơn vào biệc xây dựng các hệ thống tốt hơn để xác định và thống kê chính xác số trẻ em chết yểu.
Thách thức nữa là làm thế nào giúp các nước ở vùng tiểu Sahara của châu Phi và các nước thuộc Nam Á có đủ khả năng ngăn chặn bệnh tật, như cung cấp đủ màn chống muỗi nhằm ngăn chặn bệnh sốt rét hoặc thiếu dinh dưỡng.
MDG do Liên hợp quốc và các đối tác khởi xướng năm 2000 nhằm đạt được những tiến bộ đáng kể trong 8 lĩnh vực y tế và phát triển đến năm 2015.