Mùa hè đến cũng là khi các em học sinh bận rộn bước vào mùa thi với nhiều áp lực. Gần gũi con mỗi ngày, các bậc phụ huynh có thể giúp con em mình bớt căng thẳng để đạt kết quả thi tốt.
Tâm lý thoải mái là một nhân tố quan trọng để các em học sinh có được kết quả thi tốt nhất dựa trên năng lực học tập của mình. Vậy các bậc cha mẹ có thể làm gì để chuẩn bị tốt nhất cho con khi vào mùa thi?
Nên quan tâm thật tế nhị
Em Thu Nga là học sinh giỏi toán lớp 9 của một trường điểm. Hôm thi học kỳ 2 môn toán ở trường dù đề ra dễ nhưng do chủ quan nên Nga làm bài không tốt. Em rất buồn và thất vọng. Thấy con buồn, không thiết ăn uống, bố mẹ Nga thay vì rầy la đã luôn an ủi và động viên. Bố em thậm chí còn tự tay vào bếp nấu món ngon cho con gái ăn. Thái độ tâm lý của bố mẹ khiến Nga rất biết ơn và thêm vững tâm. Các môn thi tiếp theo em đều làm bài tốt và cẩn thận hơn. Thế là kết quả năm học ấy em vẫn đạt danh hiệu học sinh giỏi.
Ngược lại, đối với bé Nam mới học lớp 4 thì mùa thi lại là những ngày nhà có “bão”. Bố mẹ, ông bà ai cũng la hét, quát mắng, thậm chí đánh cháu để bắt ép ôn bài đến gần nửa đêm. Vì quá căng thẳng nên Nam lúc nào cũng ngơ ngác, lặng lẽ, ban đêm cháu ngủ mơ, ngày mệt mỏi, thẫn thờ. Cứ theo đà này, việc cháu đạt kết quả tốt trong kỳ thi xem ra rất khó.
Trên thực tế, các kỳ thi luôn khiến cho nhiều học sinh căng thẳng, lo ngại với áp lực bài vở. Hơn lúc nào hết, giai đoạn này trẻ cần sự quan tâm, động viên, hỗ trợ, chia sẻ của các bậc cha mẹ để giảm thiểu các áp lực và tâm lý căng thẳng. Có như vậy, cùng với việc ôn tập kỹ lưỡng thì kỳ thi của trẻ mới có khả năng đạt kết quả như ý.
Sát cánh bên con trong mùa thi
Khi mùa thi đến, cha mẹ cần dành nhiều thời gian hỗ trợ và giúp đỡ con ôn luyện tốt để các em tự tin khi bước vào kỳ thi. Đành rằng, việc động viên con em ôn tập chăm chỉ là cần thiết nhưng không phải cứ thúc ép liên tục là tốt cho con. Cha mẹ nên hạn chế rầy la, trách mắng trẻ trong giai đoạn này cho dù có thể trẻ mắc phải một số sai lầm, để tâm lý trẻ có thể thoải mái, ít áp lực nhất. Nếu trẻ có làm sai bài thi một môn nào đó, cha mẹ cũng không nên tỏ ra thất vọng, to tiếng với trẻ để tránh ảnh hưởng tâm lý những môn thi tiếp theo.
Cha mẹ cần: Nhắc nhở con nên ngủ sâu, đủ giấc, có thời gian thư giãn, thể dục. Những hành động nhỏ như mang cho con ly sữa, đĩa trái cây… là cách động viên không lời mà thật ý nghĩa. Khuyến khích trẻ ăn nhiều trái cây, rau, ngũ cốc, món ăn nhiều protein… tốt cho não bộ, ổn định lượng đường trong máu để tránh mệt mỏi. Tránh lạm dụng trà và cà phê. Dặn trẻ trước khi làm bài nên hít thở thật sâu để bình tĩnh, phân bổ thời gian hợp lý cho từng phần… |
Ngoài ra, nên hạn chế cho con ăn các thức ăn nhanh như khoai chiên, pizza, bánh mì kẹp thịt…Bữa cơm gia đình vừa vệ sinh, cân bằng dinh dưỡng lại mang đến những phút giây sum họp thật ấm cúng.
Để giảm áp lực thi cử, các em cũng nên có khoảng thời gian thư giãn, vui chơi cho đầu óc tỉnh táo hơn, tránh mỏi mệt do thiếu hoạt động. Anh Minh Hồng (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) có cách giúp cho con trai học lớp 6 giảm bớt căng thẳng những ngày thi cử như sau: Mỗi buổi tối khi con đã ôn bài xong, hai cha con ngồi trong phòng yên tĩnh, thực hành thiền hoặc hít thở sâu trong vòng 10-15 phút, giúp giảm thiểu stress, cho con anh có giấc ngủ ngon, sâu hơn. Nhiều gia đình lại khuyến khích con đi bơi, đá bóng…
Không khí thân thiện, êm ả trong gia đình là điều các bậc cha mẹ nên lưu tâm để giúp con có thể ôn luyện bài vở thật tốt, tránh nguy cơ bị stress. Chí Bích Hậu (Q.10, TP.HCM) cho biết những ngày con chị thi cử là những ngày vợ chồng chị dù có bất đồng, giận nhau thì cũng ráng “nhịn” để con yên tâm ôn tập bài vở chuẩn bị cho kỳ thi. “Và khi con thi xong thì cha mẹ cũng hết giận luôn”, chị chia sẻ.
Khi mùa thi đã qua, cha mẹ nên cho trẻ thư giãn như: đi du lịch, ăn tối bên ngoài, đi xem phim… Và nếu trẻ đạt kết quả tốt trong kỳ thi, cha mẹ nên có những phần thưởng khen ngợi, khích lệ để con tiếp tục cố gắng trong các kỳ thi sau.