Bản báo cáo do Tổ chức Lao động Thế giới (ILO) công bố ngày 12/5 cho biết, mặc dù đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc hạn chế tình trạng lao động trẻ em, song Campuchia vẫn cần thêm khoảng 100 triệu USD nhằm hiện thực hóa mục tiêu này vào năm 2016.
Lao động trẻ em-một vấn đề nhức nhối tại nhiều quốc gia trên thế giới (Ảnh tư liệu) |
Bên cạnh đó, bản báo cáo này cũng cho biết thêm, nhân ngày thế giới chống lao động trẻ em (2/6/2009), Campuchia đã trở thành một trong những nước đầu tiên trên thế giới cam kết chấm dứt những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất vào năm 2016.
Năm 2008, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã thông qua kế hoạch hành động quốc gia nhằm loại bỏ những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất (NPA-WFCL). Tính đến nay, Chính phủ Campuchia đã thực hiện một số biện pháp nhằm hiện thực hóa mục tiêu trên cũng như nhằm hoàn thiện NPA-WFCL, trong đó phải kể đến việc hạn chế, rút trẻ em khỏi các đối tượng lao động và thực hiện các cơ chế tăng cường, phối hợp nhằm đối phó với tình trạng lao động trẻ em.
Bên cạnh đó, Campuchia còn đề ra những chính sách nhằm tăng mức sống tại các gia đình nghèo, nâng cao nhận thức và hiểu biết về lao động trẻ em, khuyến khích những nhà tuyển dụng và tổ chức công đoàn chống lại tình trạng này.
Theo bản báo cáo của ILO thì hiện Chính phủ Campuchia cũng đang thiết lập mạng lưới các tổ chức xã hội dân sự nhằm đối phó với những vấn đề nhức nhối xung quanh nạn lao động trẻ em.
Nhằm hướng tới mục tiêu hoàn thành kế hoạch loại bỏ những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất vào năm 2016, Chính phủ Campuchia đã đề ra một chương trình với 12 biện pháp quan trọng nhằm hướng tới lộ trình năm 2016 như tiến hành một cuộc điều tra toàn diện về lao động trẻ em nhằm nâng cao nhận thức về những nội dung của WFCL cũng như đề ra nhiều mục tiêu khả thi hơn nhằm tiến tới hạn chế đối tượng lao động là trẻ em; thúc đẩy những chính sách giáo dục toàn diện và thân thiện với trẻ em… Tuy nhiên, trong báo cáo của mình, ILO cũng cho biết thêm rằng, theo tính toán của một dự án hợp tác giữa Ngân hàng thế giới (WB), ILO và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) thì Campuchia sẽ cần thêm khoảng 100 triệu USD nữa nhằm hiện thực hóa mục tiêu trên.
Báo cáo toàn cầu (4 năm báo cáo một lần) có tên Tăng tốc hành động chống lao động trẻ em do ILO công bố hồi năm ngoái cho thấy: Từ năm 2004-2008, số lượng lao động trẻ em toàn thế giới giảm từ 222 triệu trẻ em xuống còn 215 triệu (giảm 3%)- chứng tỏ tốc độ giảm lao động trẻ em toàn cầu đang chậm dần lại. Số liệu thống kê cũng cho thấy hiện vẫn còn 115 triệu trẻ em đang làm những công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm – được coi là các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất.
Báo cáo cũng cho thấy mối lo ngại rằng khủng hoảng kinh tế sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất đến năm 2016. Trước tình hình này, Tổng Giám đốc ILO Juan Somavia cảnh báo: “Cần phát động chiến dịch mạnh mẽ hơn nhằm chống lại lao động trẻ em. Không thể lấy khủng hoảng kinh tế làm cái cớ cho việc không hành động hoặc giảm bớt các hành động xóa bỏ lao động trẻ em”.