Một nghiên cứu trong nhiều năm của Trung tâm Nhận thức Trẻ sơ sinh thuộc Trường ĐH Yale, Hoa Kỳ vừa khẳng định rằng từ 6 tháng tuổi, các em bé đã biết phân biệt đúng sai, tốt xấu một cách sơ đẳng nhất.
Mặc dù mới chỉ biết đi chập chững nhưng theo các nhà tâm lý học, trẻ em đã có thể ý thức được những quy tắc đạo đức cơ bản mà không cần ai dạy. Nghiên cứu đã được tiến hành thông qua một loạt thí nghiệm, cho nhiều trẻ từ 6-10 tháng tuổi xem những đoạn phim hoạt hình hay hoạt cảnh ngắn bằng những con rối, trong đó có những nhân vật tốt thường xuyên giúp đỡ như giúp đưa trái bóng lên cao, giúp mở hộp quà… bên cạnh những nhân vật hay phá bĩnh, cản trở.
Sau khi xem những đoạn phim hay hoạt cảnh này nhiều lần, các nhà nghiên cứu đưa cho các em những con rối này và nhận thấy rằng 80% số trẻ có khuynh hướng thích thú, chơi đùa với những con rối đóng vai tốt và từ chối, thậm chí biết “trừng phạt” những con rối đóng vai xấu bằng cách tránh xa hoặc đánh lên đầu chúng.
Các nhà khoa học kết luận rằng trẻ em lúc mới sinh ra không hoàn toàn là một “tờ giấy trắng” như ta thường nghĩ mà chúng đã có một bản năng ý thức sơ đẳng, những ý niệm mơ hồ về tư tưởng đạo đức, cảm giác về luân lý và cả thái độ đối với tốt và xấu. Điều này dường như đã được “thiết lập” sẵn trong não từ lúc mới sinh. Và sau đó nền tảng trên sẽ tiếp tục được hình thành và củng cố bởi cha mẹ, môi trường sống xung quanh… khi trẻ lớn dần theo năm tháng.