Mang thai ở độ tuổi ngoài 35, người mẹ có thể phải đối mặt với các nguy cơ như: Tiền sản giật, tăng huyết áp, tiểu đường…
Tỷ lệ trẻ sinh ra từ những bà mẹ ở độ tuổi này bị dị tật cũng tăng cao hơn so với những bà mẹ khác – TS.BS Lê Anh Tuấn, PGĐ BV Phụ sản Trung ương cho biết.
Câu chuyện buồn
TS.BS Lê Anh Tuấn kể, cách đây không lâu ông trực tiếp khám cho chị Nguyễn Thị Hoàng, 37 tuổi (Nam Hải, Tiền Hải, Thái Bình). Vợ chồng chị Hoàng đã có 3 con gái nhưng vẫn quyết định mang thai đứa thứ 4, để kiếm “thằng cu”. Gia đình suýt mở tiệc ăn mừng vì cuối cùng cũng “cầu được, ước thấy”. Vậy nhưng sự cố xảy ra. Sau khi khám, siêu âm tận Hà Nội, hi vọng như tắt lịm khi nghe bác sĩ chẩn đoán cháu bé có thể bị bệnh Down. Giờ chị Hoàng đang đứng giữa ngã ba đường, không biết phải quyết định thế nào, dù đã được tư vấn…
Mang thai ở độ tuổi ngoài 35, người mẹ có thể phải đối mặt với các nguy cơ |
TS Tuấn cho biết, phụ nữ lớn tuổi trên 35 sinh con, con sinh ra rất dễ gặp “vấn đề”, trong đó hay gặp nhất là hội chứng Down. Nguyên nhân là do tuổi tác làm cho các thể nhiễm sắc ở trứng dễ kết dính với nhau và khi tạo thành một tổ hợp nhiễm sắc thể nào đó thì có thể dẫn đến hội chứng Down. Ngoài ra còn có thể gặp một số bệnh khác do có nhiễm sắc thể thừa.
Trẻ bị Down thường có các biểu hiện bất thường về hình thái và chức năng như: Mũi nhỏ, sống mũi thấp. Đôi tai nhỏ, dị thường, kém mềm mại. Khoảng cách giữa ngón chân cái và ngón thứ hai rộng, lưỡi thường quá to so với miệng vv…
Ngoài những đặc điểm trên, một nửa số trẻ bị Down có những khuyết tật tim bẩm sinh. Trẻ cũng dễ mắc bệnh hô hấp, tắc nghẽn đường tiêu hóa sớm và ung thư máu ở tuổi ấu thơ. Trẻ bị hội chứng Down thường dễ bị thừa cân, dù đã theo một chế độ ăn có kiểm soát, có thể tập luyện thường xuyên để giảm cân. Trẻ trong tình trạng chậm phát triển tâm thần từ thể nhẹ đến thể vừa. Trẻ cũng dễ còi cọc, kém phát triển hơn trẻ bình thường. Trẻ bị Down dễ nhạy cảm với các tác nhân nhiễm khuẩn.
Theo các nhà chuyên môn, ngoài việc để lại dị tật ở trẻ, những phụ nữ sinh muộn còn mắc nhiều nguy cơ: gần 15% phụ nữ bị sảy thai dưới 35 tuổi, tỷ lệ sảy tăng lên 20% ở độ tuổi 35-37; 25% ở độ tuổi 38-40 và 40% sau 40 tuổi. Vì tỷ lệ sảy thai cao ở những phụ nữ có tuổi, cho nên số bị sảy từ 2 lần trở lên không phải là hiếm. Người mẹ bị tiền sản giật có thể gây biến chứng nghiêm trọng cho người mẹ và thai nhi. Người mẹ có nguy cơ bị tổn thương gan, thận, chảy máu hay co giật khi chuyển dạ. Bệnh cũng khiến thai nhi chậm phát triển, thậm chí thai bị chết lưu.
Nên tiến hành sàng lọc trước sinh
Theo TS. Tuấn, để hạn chế việc sinh ra những trẻ bị bệnh Down, các cặp vợ chồng cần cân nhắc khi mang thai sau tuổi 35. Nếu mang thai khi đã nhiều tuổi, nên đi chẩn đoán trước sinh để xem trẻ sắp chào đời có bị bệnh Down không. Đặc biệt, người mẹ mang thai ở tuổi ngoài 35 cần hạn chế tiếp xúc với các chất độc hại trong môi trường, tránh sử dụng các chất độc hại trong sinh hoạt. Với những cặp vợ chồng đã có con bị bệnh Down, nếu vẫn có nguyện vọng sinh con thì khi mang thai lần sau, người mẹ cần được chẩn đoán trước sinh về bệnh Down. Các phương pháp chọc ối, chỉ điểm huyết thanh hoàn toàn không gây hại cho người mẹ và thai nhi. Khi phát hiện thai nhi có dấu hiệu bất thường, bác sĩ sẽ tư vấn cho người mẹ và gia đình có nên giữ thai hay không.
TS. Tuấn cũng cho biết, sinh sớm hơn hay muộn hơn đều không thuận lợi về tâm, sinh lý cho cả sản phụ và thai nhi. Với những phụ nữ sinh nở lần thứ nhất khi đã trên 30 tuổi cần lưu ý thường xuyên đi khám thai định kỳ để phát hiện dị tật và những biến chứng có thể gặp phải. Việc chuẩn bị sức khỏe thật tốt trước và trong thời gian mang thai, sẽ giúp giảm được phần nào những nguy cơ nêu trên.
Các bác sĩ nhấn mạnh rằng, nếu phụ nữ muốn sinh con muộn, quan trọng nhất là phải bảo vệ được khả năng sinh sản. Không được hút thuốc lá, giữ cơ thể ở mức độ cân nặng vừa phải và phòng tránh các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục. Người mẹ cần tiến hành tầm soát dị tật, hội chứng Down trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ. Tốt nhất nên sinh ở độ tuổi sinh lý tưởng là 25. Và khoảng cách tốt nhất để sinh con thứ 2 là 5 năm, vì khi đó người mẹ mới đủ thời gian để phục hồi hoàn toàn cơ thể.