Các bé thường buột miệng buông ra lời nói tục một cách ngẫu nhiên và hoàn toàn rất ngây thơ. Có thể đó là sự bắt chước những người xung quanh, còn bé chẳng biết nghĩa của từ đó.
Bé đã học những từ ngữ đó từ bạn bè, tivi, phim ảnh hay từ những người lớn xung quanh. Đây lại là “nguồn” cung cấp vô cùng phong phú những ngôn từ không có trong sách vở. Tuy nhiên, không chỉ ngày một ngày hai là bố mẹ có thể loại bỏ những ngôn từ đó ra khỏi đầu bé.
Khi con nói tục, bố mẹ không nên nghe thấy mà bỏ qua, hay bật cười vui vẻ vì nghĩ rằng con còn nhỏ, chưa biết gì. Điều đó khiến bé dễ nhiểu nhầm là bố mẹ đồng tình và cho phép con nói bậy. Bé sẽ tiếp tục nói bậy với tần số nhiều hơn.
Bố mẹ và những người xung quanh phải làm gương cho bé, không nói tục, chửi bậy, không đệm thêm từ vào các câu nói trong sinh hoạt hàng ngày. Bố mẹ nên ăn nói chừng mực, câu đầy đủ chủ ngữ, vị ngữ, không cộc cằn, bỗ bã. Đừng la mắng, đánh đập khi con nói bậy. Hình phạt lớn nhất là tỏ thái độ nghiêm khắc, không cho phép nó được tự do thực hiện những điều mình thích.
Khi bắt gặp con văng tục, chửi bậy, nói từ đệm, hãy giải thích cho con nghe. Với những bé ở độ tuổi mẫu giáo, có thể giải thích đơn giản: “Đó là những lời xấu xa, thiếu văn minh, thiếu lịch sự. Trẻ con mà nói như thế là không ngoan”.
Khi bé nói tục chửi bậy, bố mẹ nên giải thích cho bé hiểu đó và uốn nắn dần dần
Với những bé lớn hơn một chút, bố mẹ phải giải thích nhẹ nhàng và cương quyết hơn: “Bố mẹ không muốn con nói như thế. Con thử nói lại lịch sự hơn xem nào?”. Hay “Con vừa nói gì bố mẹ nghe không rõ” và yêu cầu bé nói lại mà không cần những ngôn từ kia.
Theo chuyên gia tâm lý Lê Khanh, ở độ tuổi này, các bé đã nhận biết phần nào về giới tính. Các bé nam thường chửi thề, nói thêm từ đệm vào trong câu để thể hiện sự nam tính, đàn ông hay thậm chí là “đẳng cấp” của mình. Bố mẹ cần giải thích với bé, việc nói tục chửi bậy không khiến các bạn nể trọng con hơn, mà chỉ làm hạ giá trị của con trước mặt bạn. Bố mẹ cũng nên thường xuyên để ý đến cách nói, ngôn ngữ của con uốn nắn kịp thời.