Trong suốt buổi nói chuyện về đề tài “Giáo thai và tác dụng của hát ru đối với thai nhi” chiều 12-5 tại tư gia (32 Huỳnh Đình Hai, Q.Bình Thạnh, TP.HCM), GS Trần Văn Khê đã khẳng định như thế.
Yêu âm nhạc từ trong lòng mẹ
Ông khuyến khích hát ru con bằng những làn điệu dân ca Việt Nam, điều đó sẽ giúp trẻ nhận thức cuộc sống xung quanh thông qua ca từ và âm nhạc dân tộc.
GS Trần Văn Khê chia sẻ từ trong bụng mẹ ông đã được gia đình giáo thai bằng âm nhạc như sáo, đàn tranh, hát ru… nên ông có tình yêu âm nhạc và thành công trong lĩnh vực này.
Ông kể: “Khi má mang thai tôi, cậu Năm là người chú ý đến việc chăm sóc thai nhi khi đề nghị cho má được về nhà ngoại sống vì ở gần nhà ông bà nội tôi có lò mổ heo. Cậu học theo mẹ Mạnh Tử ngày xưa đã giáo dục con bằng cách chuyển nhà đến môi trường tốt cho đứa trẻ hấp thu những điều hay lẽ phải ngay từ trong bụng mẹ, lúc sơ sinh”.
Đặc biệt, GS Khê kể về việc cậu Năm ông dùng tiếng sáo để… nói chuyện với bào thai và ngay sau khi sinh ông cũng đã được cậu Năm thổi sáo cho nghe. Bên cạnh tiếng sáo, ngay từ nhỏ GS Trần Văn Khê cũng được nghe các làn điệu hát ru, những âm thanh êm đềm của tiếng đàn tranh…
Sau này lớn lên, có tình yêu đặc biệt với nhạc dân tộc, ngay cả khi đang học y khoa Hà Nội, làm thầy giáo ở Sài Gòn hay sang Pháp sống, GS Khê luôn giữ tình yêu ấy bằng cách nghiên cứu và đưa nhạc dân tộc Việt Nam đến với bạn bè năm châu.
Lời ru tác động đến nhân cách trẻ
Thạc sĩ Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính, người đang nghiên cứu về lĩnh vực thai giáo, cho biết: “Gia đình GS Trần Văn Khê chính là hình mẫu của việc giáo dục thai nhi thành công qua âm nhạc. Do đó, tôi nghĩ các bà mẹ nên lưu tâm trong việc thực tập thai giáo để có những đứa con ngoan, thông minh…”. |
Chiêm nghiệm từ chính bản thân mình, GS tiếp tục hành trình giáo thai bằng âm nhạc, hát ru cho con trai mình là GS.TS Trần Quang Hải. Tuy nhiên, có điều đáng tiếc là từ trong bào thai và lúc nhỏ GS Hải không được nghe những bản nhạc dân tộc, những điệu lý, câu hò nhiều mà nghe phần lớn là nhạc và đàn của phương Tây như piano, violon… nên trong thời gian ở Việt Nam GS Hải đặc biệt mê nhạc Tây, nhạc Lê Hữu Phước.
Cho đến khi được gặp GS Khê bên Pháp, được ông truyền cho tình yêu âm nhạc dân tộc thì GS Trần Quang Hải mới chuyển hướng. Qua đó, GS Khê khẳng định con ông là GS.TS Trần Quang Hải đã được hình thành tình yêu âm nhạc từ trong bào thai cho đến lúc trưởng thành bằng cách cho bà mẹ mang thai và con sau khi sinh nghe nhạc, hát ru…
Qua tác dụng tích cực của âm nhạc nói chung và hát ru nói riêng qua câu chuyện của chính mình, GS Khê lấy làm tiếc khi hiện có nhiều bà mẹ trẻ không biết hát ru hoặc lười ru con, cho con nghe nhạc ngoại, thậm chí nhạc rock, xem phim kinh dị khi mang thai…
Điều đó sẽ ảnh hưởng không tốt đến thai nhi bởi bào thai và trẻ dù chưa hiểu gì nhưng trong tiềm thức đã có những cảm thụ thế giới xung quanh, não bộ tiếp nhận tất cả thông tin từ cuộc sống. Đấy chính là chất liệu cho việc hình thành nhân cách cũng như suy nghĩ, năng khiếu của mỗi người sau khi trưởng thành.