Nói tới đột quy, người ta nghĩ ngay đến người lớn. Thế nhưng, có những đứa trẻ mới vài tuổi đầu đã bị đột quỵ. Đáng nói, đến 2/3 trường hợp đột quỵ ở trẻ em lại không rõ nguyên nhân.
Bỗng nhiên đột quỵ
Đang chơi ngoài sân, bé gái N.T.B.Y. ba tuổi (ngụ Long An) bất thình lình nôn ói và rơi vào trạng thái hôn mê. Ngay lập tức, BV địa phương chuyển bệnh nhi lên TP.HCM cấp cứu. Tuy nhiên, các BV Nhi Đồng 1, BV Chợ Rẫy chỉ chẩn đoán được triệu chứng xuất huyết não. Bệnh nhi tiếp tục được chuyển sang BV Đại học Y dược TP.HCM điều trị. Các bác sĩ thông báo, bé Y. bị xuất huyết não do vỡ dị dạng mạch máu não dẫn đến đột quỵ (ĐQ). May mắn thay, sau ba ngày cứu chữa, bé Y. tỉnh táo trở lại.
Cách đây vài ngày, BV Nhi Đồng 1 cũng tiếp nhận bé trai 10 tuổi (ngụ Bình Chánh, TP.HCM) được người nhà phát hiện đang nằm hôn mê ngoài ruộng. Khi nhập viện, các bác sĩ chụp CT, phát hiện xuất huyết não, nguyên nhân dẫn đến ĐQ.
Trẻ bị viêm não có nguy cơ đột quỵ
Tỷ lệ trẻ dưới 14 tuổi bị ĐQ chiếm khoảng 2,5/100.000 người dân. Riêng BV Nhi Đồng 1 TP.HCM mỗi năm tiếp nhận khoảng 30 trẻ bị ĐQ. Theo BS. Nguyễn Minh Tuấn, Khoa Nhiễm – Thần kinh, của BV này, ĐQ có hai nhóm: nhồi máu não và xuất huyết não, màng não. Số lượng trẻ em mắc bệnh không nhiều như người lớn, chủ yếu do xuất huyết não, màng não nhiều hơn nhồi máu não. Nguyên nhân gây bệnh cho trẻ thường do dị dạng mạch máu não, phình mạch máu não khi “trong người” đã có sẵn bệnh tim, bệnh đa hồng cầu, rối loạn đông máu, viêm mạch máu, co mạch sau xuất huyết màng não, nhiễm trùng nội sọ vì nhiễm siêu vi, viêm não. BS Nguyễn Thị Kim Liên, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não, BV Nhân Dân 115 TP.HCM, cho rằng, ĐQ ở trẻ em thường do viêm và dị dạng mạch máu, nhất là khi trẻ bị viêm não, viêm màng não, lao màng não, vi trùng có thể gây viêm mạch máu, khiến mạch máu bị tắc mạch dẫn đến ĐQ.
Trong khi đó, mỗi lần đến “mùa” viêm não, màng não, hai BV Nhi Đồng của TP.HCM tiếp nhận điều trị cho khoảng 70 bệnh nhi điều trị nội trú mỗi ngày. Tuy nhiên, có đến 2/3 nguyên nhân không thể xác định được vì sao trẻ lại bị ĐQ. Cũng theo BS Minh Tuấn, có rất nhiều trường hợp trẻ bị ĐQ đến điều trị, sau khi xét nghiệm lại không tìm được nguyên nhân.
Bệnh mãn tính + nắng nóng = nguy hiểm
Nguy hiểm thay, ĐQ là bệnh đứng hàng thứ ba thế giới về tỷ lệ tử vong, sau ung thư, tim mạch và đứng hàng đầu về tỷ lệ tàn phế với các di chứng: không đi đứng được, mù một hoặc hai mắt, không nói được, nói nhưng không hiểu, trầm cảm… Riêng tại BV Nhân Dân 115, có khoảng 10% bệnh nhân tử vong vì ĐQ. Với những bệnh nhân nhập viện trễ, hoặc chữa không đúng cách, dễ dẫn đến biến chứng: phù não, viêm phổi, viêm đường tiết niệu, xuất huyết tiêu hóa và tử vong. BS. Kim Liên cảnh báo, đây là bệnh cực kỳ nguy hiểm, cần phải chuyển khẩn cấp đến BV, người nhà không nên cạo gió, chà chanh, giác hơi… vì sẽ ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhi.
Không để béo phì, vận động hợp lý cũng là cách hạn chế nguy cơ đột quỵ ở trẻ em
Theo BS. Trần Chí Cường, phòng khám DSA, Khoa Tim mạch, BV Đại học Y dược TP.HCM, với những trường hợp ĐQ do nhồi máu, trước hết, các bác sĩ thường làm tan cục máu bằng các phương pháp tiêu sợi huyết toàn thân, tiêu sợi huyết trực tiếp tại cục máu đông, lấy cục máu đông ra bằng máy hút. Tuy nhiên, hiệu quả điều trị tốt nhất thường chỉ trong sáu giờ đầu nhập viện. Tiếp sau đó, những bệnh nhân có mạch máu bị hẹp trên 70% lòng mạch, các bác sĩ sẽ nong mạch máu, tránh tắc nghẽn trở lại. Nếu hẹp dưới 70%, bệnh nhân sẽ được uống thuốc điều trị. Với những bệnh nhân đột quỵ do xuất huyết, bác sĩ sẽ xác định phình mạch máu, vỡ dị dạng mạch máu, tăng huyết áp… Sau đó, chụp mạch máu não để điều trị nguyên nhân gây tắc mạch, bít túi phình bị vỡ…
Để hạn chế ĐQ, trẻ từng bị ĐQ phải được điều trị dứt nguyên nhân gây ra bệnh. Những trẻ bị tăng huyết áp, tiểu đường, béo phì, tập tành hút thuốc, nhậu nhẹt… cũng cần thận trọng vì đây là nguy cơ góp phần gây ra đột quỵ. Bác sĩ Kim Liên khuyến cáo: nắng nóng dù không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ĐQ nhưng là yếu tố thuận lợi. Nếu bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính làm việc hoặc vui chơi gắng sức dưới thời tiết nóng bức kéo dài, có thể sẽ gây ra ĐQ, nhất là những bệnh nhân bị cao huyết áp không kiểm soát.