Trong các khâu bảo vệ trẻ em thì phòng ngừa luôn là khâu quan trọng nhất.
Sau vụ bé Hào Anh (ở Cà Mau) bị vợ chồng người chủ hành hạ dã man, gần đây lại có thêm vụ người làm công bị chủ nhà bạo hành. Ngày 9-5, theo thông tin từ một tờ báo, em Trần Thị Soa (18 tuổi) đã bị chủ tạt nước sôi vào lưng khiến em bị bỏng từ vạt lưng đến mông, lở loét hết da. Có thể rồi đây những vết hằn trên da thịt của em được chữa lành nhưng những vết thương trong tâm hồn sẽ còn đeo đẳng em mãi. Một số gia đình hàng xóm cho biết có nghe chủ nhà la mắng em nhiều lần nhưng không can thiệp được.
Có lẽ đã đến lúc xã hội phải lên tiếng báo động về trường hợp người làm thuê bị chủ bạo hành. Ai cũng biết chính quyền dù có dài tay đến mấy cũng khó phát hiện được hết những vụ bạo hành như thế. Cách tốt nhất để phát hiện các vụ việc này chính là tai mắt nhân dân. Vấn đề là làm sao để người dân mạnh dạn tố cáo những vụ bạo hành.
Pháp luật hiện hành quy định người dân phải có nghĩa vụ tố giác tội phạm. Theo Điều 314 Bộ luật Hình sự, người nào biết rõ một trong các tội như: giết người, hiếp dâm, cưỡng dâm, cướp tài sản… đang được chuẩn bị, đang hoặc đã được thực hiện mà không tố giác thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm. Nhưng nếu người dân chỉ thấy những hành vi vi phạm ở mức độ nhẹ hơn thì họ có nghĩa vụ gì không?
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và Nghị định 110/2009 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực này quy định những ai biết hành vi bạo lực gia đình, có điều kiện ngăn chặn mà không ngăn chặn, không báo tin cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thì bị xử phạt từ 100.000 đến 300.000 đồng. Những ai đe dọa, hành hung, xúc phạm nhân phẩm người ngăn chặn, phát hiện, báo tin bạo lực gia đình… sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 1 triệu đồng, buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu. Tuy nhiên, việc chế tài này chỉ áp dụng cho trường hợp bạo lực gia đình, tức là hành vi bạo lực giữa thành viên này với thành viên khác có cùng huyết thống. Trong khi đó, trường hợp của em Hào Anh, em Soa bị chủ đánh đập không được pháp luật coi là bạo lực gia đình. Do vậy, người dân dù có biết sự việc nhưng không tố giác, không can thiệp thì cũng không phải chịu trách nhiệm gì.
Đây là nghịch lý bởi xét trong khuôn viên một ngôi nhà thì quan hệ giữa người làm thuê và chủ đôi khi còn va chạm, xích mích nhiều hơn. Vì thế, việc bạo hành giữa các thành viên này có thể xảy ra nhiều hơn so với quan hệ giữa các thành viên trong gia đình với nhau. Đáng tiếc là đến giờ luật pháp vẫn bỏ trống, không điều chỉnh nghĩa vụ tố giác trong trường hợp này.
Cần quy định thành nghĩa vụ Tôi được biết Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em đang lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em và Nghị định 114/2006 cho phù hợp với tình hình hiện nay. Nên chăng cần điều chỉnh Nghị định 114 theo hướng vừa quy định nghĩa vụ tố cáo của người dân, đồng thời khuyến khích người dân tố cáo những hành vi bạo lực cho trẻ em do người dưng gây ra. Tuy nhiên, cần có mức phạt nặng với những người có hành vi đe dọa, ngăn cản người tố cáo để người dân mạnh dạn tố cáo. Bà PHAN THANH MINH, Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP.HCM) Chỉ nên khuyến khích Đúng là luật hiện hành chưa điều chỉnh nghĩa vụ tố cáo của người dân đối với những hành vi không phải bạo lực gia đình. Nhưng nếu cứng nhắc ràng buộc nghĩa vụ tố cáo của người dân thì e rằng rất khó thực hiện. Bởi khi có quy định nghĩa vụ tố giác, có chế tài thì có khi người dân sẽ rụt lại, bảo rằng tôi không biết, không thấy xảy ra hành vi bạo hành đó, nghĩa là họ làm lơ đi. Lúc đó cơ quan chức năng cũng khó xử lý kịp thời các hành vi bạo hành. Theo tôi, trong tình hình hiện nay thì nên khuyến khích người dân tố giác hơn là ràng buộc trách nhiệm của họ. Đồng thời, chính quyền cần vận động, tuyên dương, khen thưởng những ai tố giác, ngăn chặn hành vi bạo hành trẻ em. Bà LÊ THỊ XUÂN LANG, Phó Chánh thanh tra phụ trách mảng trẻ em (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP.HCM) |