Theo các chuyên gia tâm lý, trẻ nam có xu hướng mang sắc thái nữ giới hóa đang ngày càng nhiều. Các bậc bố mẹ cần phát hiện sớm và có biện pháp giúp trẻ nhận thức đúng giới tính của mình.
Trẻ chưa nhận biết được giới tính của mình
Chị Trần Thị Hà (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ cùng trung tâm tư vấn trẻ em rằng, con trai chị năm nay 14 tuổi nhưng có những biểu hiện tâm lý giới tính bất thường. Ngoài dáng người luôn ẻo lả, nhẹ nhàng, cháu rất thích mặc quần áo, trang điểm và sử dụng đồ trang sức như con gái. Trước khi đi học, cháu thường xuyên soi gương và chải chuốt tỉ mỉ…
Trẻ nam từ 3 – 6 tuổi, mẹ không nên âu yếm, vuốt ve thái quá như con gái, nếu bé có sở thích khác lạ cần uốn nắn… Ảnh mang tính minh họa |
Theo TS Đỗ Mộng Tuấn, giám đốc Trung tâm Tư vấn trẻ em, rối nhiễu về hình thái quan hệ giới tính của trẻ em hiện nay có hai góc độ là do sinh lý và tâm lý. Rối nhiễu giới tính do sinh lý chủ yếu là do mã gen nên cần sự can thiệp của y học để thay đổi. Còn rối nhiễu do ảnh hưởng bởi quan hệ xã hội lớn hơn, nhất là trẻ nam phát triển mang sắc thái nữ giới.
“Trẻ nữ có bị ảnh hưởng nhưng ít hơn do tính cách và truyền thống. Còn trẻ nam do cá tính và thích thể hiện mạnh nên ảnh hưởng nhiều hơn. Vì thế, nếu trẻ nào có gốc giáo dục giới tính bị hổng chỉ cần bắt gặp các sắc thái bất chợt là trẻ có thể bắt chước theo. Vì thế giới tính hóa không phải do sinh lý mà do ảnh hưởng môi trường văn hóa”, TS Tuấn chỉ rõ.
Nguyên nhân bị rối nhiễu tâm lý giới tính chính là do trẻ chưa được định hướng rõ giới tính của mình một cách cụ thể trong khi phải tiếp xúc với ma trận văn hóa khác nhau.
Ví dụ, ở nhà trẻ được quan tâm ít và giáo dục giới tính chưa đúng cách, bị ảnh hưởng tính cách bà mẹ là chủ yếu, không được đặt đúng vị trí của đấng nam nhi.
Ở nhà trường trẻ không được giải thích cặn kẽ về đặc điểm và sinh lý giới tính và sự vận động biến đổi sau này sẽ dẫn đến kết quả ra sao. Đồng thời trẻ ảnh hưởng nhiều tài liệu văn hóa giới tính như phim ảnh, sách truyện, game không có định hướng và mang màu sắc phô trương giới tính và các nhân vật nam bị mang màu sắc nữ giới nhiều.
Thậm chí có những cuốn truyện tranh vẽ các siêu nhân nhưng ăn mặc mềm mại hay ảnh hưởng của phim ảnh Hàn Quốc với phong cách đàn ông luôn ướt át.
Giới tính hóa không phải do sinh lý mà do ảnh hưởng môi trường văn hóa. Ảnh mang tính minh họa |
Cũng theo vị chuyên gia này, điều tra cho thấy trong số trẻ đồng tính có hơn 50% trẻ do ảnh hưởng văn hóa dẫn đến rối nhiễu tâm lý giới tính. Lứa tuổi trẻ ảnh hưởng giới tính có thể từ 3 – 15 tuổi, trong đó trẻ từ 6 tuổi trở xuống biểu hiện giới tính nhưng chưa rõ, “cao điểm” chủ yếu từ 11 – 15 tuổi.
Không nên âu yếm thái quá với trẻ nam từ 3 – 6 tuổi
Theo TS Tuấn, các bậc bố mẹ cần biết cách tổ chức vui chơi, mua đồ chơi, đồ dùng phù hợp với sự phát triển giới tính sau này. Chưa nên đòi hỏi trẻ chơi với đàn ông hay đàn bà nhưng cần hạn chế cách quan hệ, ứng xử và điều chỉnh mối quan hệ hợp lý. Cụ thể trẻ nam từ 3 – 6 tuổi mẹ không nên âu yếm, vuốt ve thái quá như con gái, nếu bé có sở thích khác lạ cần uốn nắn…
Còn theo ThS tâm lý Lan Anh, Trung tâm Tư vấn và Giáo dục Giới tính Gia Định, từ 6 – 15 tuổi, trẻ bắt đầu bộc phát giới tính thực sự do định hình của hormon. Bố có thể tâm sự, nói chuyện với con trai như những người bạn với nhau, thông qua đó để trẻ hiểu nhiều hơn.
Tránh đùa cợt quan hệ giới tính đối với các em. Cần biết tạo ấn tượng về vị trí và sự mạnh mẽ của đàn ông bằng các cử chỉ như giúp đỡ mẹ, chị, em gái, tự tin, quyết đoán…
Định hình cách ăn mặc, ngoại hình cũng như tác phong con trai khác biệt với con gái. Hướng trẻ đến với niềm say mê hay thể thao phù hợp với nam nhi như học võ, đá bóng… Tránh gây áp lực bằng cách nhiếc móc, phê phán hay cấm đoán trẻ.
Biểu hiện rối nhiễu giới tính lúc 2 tuổi |
Theo thống kê do Hiệp hội tâm thần học Mỹ công bố, tỷ lệ bé trai bị rối loạn xác định giới tính cao gấp 5 lần bé gái. Bệnh bắt đầu có biểu hiện rõ ràng trong giai đoạn 2 – 4 tuổi. Nếu không được phát hiện và điều trị hiệu quả, khoảng 75% bé trai bị rối loạn xác định giới tính có thể trở thành đồng tính hoặc lưỡng tính khi trưởng thành. |