Dầu gió là một loại chất lỏng được tạo ra bằng cách pha trộn nhiều loại tinh dầu thiên nhiên khác nhau. Các loại dầu gió thường được dùng như thuốc thoa ngoài da, có thể tạo cảm giác nóng ấm ngay tại chỗ. Thành phần phổ biến của các loại dầu gió thường bao gồm dầu khuynh diệp, dầu tràm, hồi, quế… với dược chất chính là methyl salicylate và menthol. Methyl salicylate là thành phần của nhiều thuốc trị đau, kháng viêm. Còn menthol, một chất thường được chiết xuất trong cây bạc hà giúp tạo cảm giác mát lạnh, gây tê tại chỗ.
Tác dụng phụ khó lường
Không thể phủ nhận các tác dụng phổ biến của dầu gió như giảm đau nhức, giảm ngứa… nhưng mẹ có biết rằng tất cả các loại tinh dầu đều không dùng cho trẻ dưới 3 tháng tuổi? Giới hạn tuổi còn được tăng lên đối với các loại tinh dầu có menthol. Ngay cả với trẻ lớn, làn da các bé đôi khi vẫn rất nhạy cảm và dễ bị kích ứng so với người lớn. Trong khi đó, hoạt chất methyl salicylate có thể làm nóng, gây rộp, xung huyết da. Menthol còn làm tăng tiết mồ hôi và làm thân nhiệt bé bị hạ thấp. Một tác dụng phụ nguy hiểm khác là ức chế khả năng hô hấp của bé. Nếu dùng các loại dầu gió để bôi lên mũi, các hoạt chất trong dầu có thể gây rách màng nhầy mũi, họng. Menthol ức chế cơ trơn hô hấp, tuần hoàn. Một thành phần khác có trong một số loại dầu là camphor (long não) ức chế tuần hoàn, gây suy hô hấp dẫn đến ngưng tim, ngưng thở.
Những giới hạn cần lưu ý
Khi muốn dùng dầu gió cho con, mẹ nên lưu ý về độ tuổi, khi nào nên dùng, cách xoa dầu và nồng độ tinh dầu.
-Độ tuổi của bé: Độ tuổi nhỏ nhất sử dụng được tinh dầu nói chung là 3 tháng tuổi. Những loại tinh dầu chứa methyl salicylate và menthol cần được dùng cẩn thận cho trẻ trên 2 tuổi.
-Nồng độ: Tinh dầu nguyên chất thường được pha với dầu nền để tạo thành một hỗn dịch. Mẹ cần chú ý nồng độ không vượt quá 2%. Không bao giờ được để tinh dầu nguyên chất dính lên da vì nó có thể gây phỏng nặng.
-Khi nào có thể dùng dầu gió: Một số triệu chứng như nghẹt mũi, nhức đầu, ho nhẹ, đau bụng, đầy hơi, đau cơ, bong gân, côn trùng cắn ngứa ngáy… có thể được làm dịu bớt với các loại dầu gió.
-Cách dùng tinh dầu: Dầu gió chỉ có thể dùng ngoài da. Mẹ không thoa dầu gió lên vùng da trầy xước, không cho bé uống dầu vì có thể gây tổn thương niêm mạc ruột. Luôn dùng một lượng vừa đủ, chỉ dùng lúc đau và chấm dứt ngay khi cơn đau đã hết.