Trong thực tế các triệu chứng được quy cho rối loạn tiền đình bao gồm:
• Chóng mặt thật sự: là một ảo giác mà bệnh nhân thấy đồ vật chung quanh xoay tròn hay có cảm giác bản thân mình bị xoay.
• Cảm giác mất thăng bằng: Người bệnh có cảm giác mất thăng bằng nhưng có thể không rõ ảo giác xoay, thường gặp do tổn thương tiền đình. Những biểu hiện này cũng có thể gặp trong tổn thương tiểu não, cảm giác sâu hay tổn thương thị giác.
• Cảm giác choáng váng, cảm giác hoa mắt thường tương ứng với những bệnh lý tim mạch hoặc bệnh tâm lý.
• Cảm giác muốn té: Có thể kèm theo sự sợ hãi, thường do nguyên nhân tâm lý.
Thực chất chỉ có triệu chứng chóng mặt với ảo giác xoay và triệu chứng mất thăng bằng là có nguyên nhân do tổn thương thần kinh.
Các nguyên nhân nào gây ra rối loạn tiền đình?
Mọi rối loạn hoặc không đồng bộ thông tin của hệ thống tiền đình sẽ gây tình trạng chóng mặt và các triệu chứng kèm theo như nôn ói, lay tròng mắt, mất thăng bằng. Ngoài ra, tùy vào từng loại bệnh lý khác nhau mà người bệnh còn có thể bị các triệu chứng khác nhau như ù tai, đau đầu, yếu chi, lơ mơ,… Các bệnh lý gây rối loạn tiền đình khá đa dạng, có thể bắt nguồn từ những căn nguyên khá lành tính cho đến những căn nguyên rất nguy hiểm và cần phải có sự hỗ trợ sớm của nhân viên y tế.
Các cơn chóng mặt dữ dội tái phát thường do nguyên nhân nào?
Rối loạn tiền đình thường bắt nguồn từ các rối loạn hệ thống tiền đình ngoại biên hơn hệ thống tiền đình trung ương. Trên thực tế rất nhiều người ở độ tuổi trung niên, đặc biệt là phụ nữ, gặp những cơn chóng mặt dữ dội tái phát nhiều lần, làm ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống. Phần nhiều các trường hợp này do bệnh lý với tên gọi “chóng mặt tư thế kịch phát lành tính”.
Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính là gì?
Là bệnh lý gây chóng mặt thưòng gặp nhất trong các trường hợp chóng mặt, bệnh thường tự phát, một số ít có thể xảy ra sau chấn thương sọ não. Ở một số trường hợp bệnh có thể tự thuyên giảm sau một thời gian. Tuy nhiên, nhiều trường hợp kéo dài hay tái phát nhiều lần và phải điều trị bằng phương pháp chuyên biệt. Bệnh thường gặp ở phái nữ (gấp hai lần nam giới), bệnh có thể gặp ở mọi tuổi nhưng thường gặp ở tuổi trên 40.
Bệnh có đặc điểm là cơn chóng mặt kịch phát và rung giật nhãn cầu xảy ra ở những tư thế đặc biệt của đầu, nhất là khi nằm xuống, khi xoay qua xoay lại trên giường, khi ngóc đầu lên và đứng dậy, khi ngửa đầu ra sau. Mỗi cơn kéo dài chưa đầy một phút, nhưng có thể có nhiều cơn lặp lại trong nhiều ngày, nhiều tháng hoặc hiếm hơn là nhiều năm. Ở một số bệnh nhân, cơn chóng mặt nặng về buổi sáng và giảm dần trong ngày. Khám lâm sàng hoàn toàn không phát hiện bất thường về thính lực, về tổn thương trong tai, hoặc bất thường ở những nơi khác.
Cách xử trí khi bị chóng mặt?
Do chóng mặt có thể đến từ các nguyên nhân rất nguy hiểm, nên khi cơn chóng mặt xảy ra chúng ta nên đưa bệnh nhân tránh xa những chỗ nguy hiểm như đang ở trên cao, nơi xe cộ đông đúc,… và bảo đảm bệnh nhân không bị té ngã, nằm nghỉ ngơi khi cần thiết. Đồng thời, cũng nên nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện nhằm được chẩn đoán nhanh chóng và điều trị hợp lý để làm giảm cảm giác khó chịu cũng như giảm thiểu tình trạng nguy hiểm do các bệnh lý nghiêm trọng gây ra.
Đối với cơn tái phát của bệnh chóng mặt mãn tính đã biết, thì tùy từng tình huống đôi khi chúng ta có thể để bệnh nhân nằm nghỉ ngơi một thời gian ngắn để cơn chóng mặt giảm đi trước khi đến gặp bác sĩ, nhằm làm giảm cảm giác khó chịu trên đường di chuyển. Tuy nhiên, trên thực tế đôi khi rất khó phân biệt được cơn chóng mặt lành tính tái phát và cơn chóng mặt do bệnh lý nghiêm trọng gây ra. Do đó, cần lưu ý một số tính chất có khả năng đến từ bệnh lý nguy hiểm như: cơn chóng mặt lần đầu, chóng mặt kèm các triệu chứng như đau đầu dữ dội, co giật, yếu liệt tay chân một bên, lơ mơ, hôn mê,…
Làm sao để phòng ngừa rối loạn tiền đình?
Cách điều trị và phòng ngừa từng loại “rối loạn tiền đình” phụ thuộc vào từng căn nguyên cụ thể. Nhưng nhìn chung, một lối sống lành mạnh như chế độ ăn uống hợp lý, tập thể dục đều đặn, điều trị các nghiêm túc các bệnh mãn tính thường gặp như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu,… sẽ làm giảm đáng kể sự mất quân bình của hệ tiền đình. Ngoài ra cũng cần lưu ý các tình trạng như làm việc quá sức, mất ngủ, stress,… cũng gây ra các tình trạng hoa mắt, choáng váng từ đó làm nặng thêm triệu chứng chóng mặt ở người có bệnh lý tiền đình mãn tính. Do đó ngoài sự trợ giúp chuyên môn của bác sĩ thì sự tự cân bằng của bệnh nhân cả về thể chất lẫn tinh thần sẽ góp đáng kể trong việc phòng ngừa loại bệnh lý này