Hạn chế cho trẻ chơi điện thoại, xem ti vi, chú ý đến chế độ dinh dưỡng của trẻ, vệ sinh mắt trẻ hàng ngày… là những cách giúp bạn giữ cho đôi mắt bé luôn khỏe mạnh, giảm các bệnh liên quan đến thị lực.
1. Cung cấp thực phẩm giàu vitamin A
Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, giàu vitanin A sẽ giúp trẻ không chỉ có sức khỏe mà còn giúp đôi mắt phát triển khỏe mạnh. Cà rốt, bí đỏ là những thực phẩm rất giàu vitamin A, đây chính là loại củ thích hợp cho trẻ ăn dặm. Mẹ có thể chế biến thành các món ăn và mùi vị cũng dễ chịu: cà rốt + trứng cho bé ăn dặm hoặc cháo sườn, bí đỏ cho trẻ ăn thô.
Tuy nhiên, để tránh bị vàng da ở trẻ, mẹ lưu ý chỉ nên cho trẻ ăn 2 – 3 bữa cà rốt/tuần .
2. Tránh nhìn vào màn hình máy tính, điện thoại quá lâu
Nhiều bậc cha mẹ khi thấy bé quấy khóc, ăn chậm… thì thường xuyên cho bé xem tivi, chơi điện thoại để bé ngoan hơn, ăn nhanh hơn nhưng chính việc này nếu diễn ra trong thời gian dài sẽ làm giảm thị lực của trẻ rất nhanh. Bởi vì việc nhìn chằm chằm vào màn hình máy tính, máy điện thoại quá lâu gây ra nhiều tác hại cho mắt như mỏi mắt, tầm nhìn mờ, gây khó khăn khi cần nhìn tập trung vào một điểm nhất định và khô mắt.
Vì vậy, tốt nhất mẹ chỉ nên cho trẻ xem tivi 30 phút mỗi ngày, thời gian còn lại, mẹ có thể cho trẻ xem hình ảnh nhiều màu sắc hoặc đồ chơi.
3. Vệ sinh mắt hàng ngày
Khi vệ sinh mắt, mẹ cần làm cẩn thận để tránh làm tổn thương mắt. Mẹ nhúng bông gòn vào nước ấm, nhẹ nhàng lau từ hốc mũi đến hết đuôi mắt. Lau từ từ tránh làm trẻ đau.
Mẹ chỉ nên rửa mắt cho trẻ bằng nước muối sinh lý rửa mắt khi trẻ bị đau hoặc viêm và rửa theo hướng dẫn của bác sĩ. Ngoài ra, mẹ cũng có thể rửa mắt cho trẻ bằng nước muối khi đi ngoài về để loại bỏ bụi bẩn. Tuyệt đối không lạm dụng nước muối và rửa thường xuyên có thể khiến trẻ bị khô giác mạc và ảnh hưởng tới mắt.
4. Ngồi học đúng tư thế và đủ ánh sáng
Ngồi học đúng tư thế và đủ ánh sáng sẽ cho bé đôi mắt khỏe đẹp.
Khi lắp đặt bàn học cho bé, bạn cần chú ý ánh sáng và chiều cao của bàn học. Không nên để bé ngồi quay lưng lại với nơi chiếu sáng và cũng không nên dùng đèn quá sáng hoặc quá mờ. Chiều cao bàn học cũng phải phù hợp với chiều cao của trẻ để tránh bị cận thị do ngồi quá sát bàn học cũng như hạn chế gặp phải các tật về cột sống.
Bé có thể bị hiếng, lác mắt khi quan sát những đồ vật quá lệch so với tầm nhìn hoặc ánh sáng không phù hợp. Do vậy, hãy để bé được nhìn ngắm mọi vật ở tầm nhìn phù hợp với giai đoạn phát triển của đôi mắt. Nếu bé sơ sinh chưa tròn 2 tháng, có thể treo đồ vật ngay trước mắt bé để dễ bề quan sát. Khi lớn hơn, đôi mắt bé bắt đầu phóng tầm nhìn xa hơn và có khả năng điều khiển được cổ, mẹ nên tập cho bé hướng nhìn về nhiều phía khác nhau để tạo sự linh hoạt cho đôi mắt.
5. Đeo kính mát cho bé khi đi ra ngoài trời nắng.
Tia cực tím có thể khiến trẻ bị giảm thị lực hoặc mù mắt nếu thường xuyên bị ánh nắng chiếu vào mắt vì vậy việc bảo vệ đôi mắt trẻ dưới ánh nắng mặt trời rất quan trọng. Không cho trẻ nhìn lên bầu trời vì nếu thường xuyên làm điều này sẽ ảnh hưởng nặng nề tới đôi mắt trẻ.