1. Béo phì là gì?
- Béo phì là tình trạng tích tụ mỡ bất thường quá mức tại các mô mỡ và các tổ chức khác trong cơ thể như dưới da, nội tạng, cơ bắp dẫn đến nhiều hậu quả xấu cho sức khỏe.
2. Nguyên nhân béo phì
- Béo phì do nguyên nhân ngoại sinh: Chiếm khoảng 90% các trường hợp béo phì. Béo phì là do có sự mất cân bằng giữa năng lượng ăn vào và năng lượng tiêu hao cho các hoạt động thể lực. Hầu hết là sự kết hợp 2 yếu tố ăn vào vượt quá nhu cầu cần thiết và giảm hoạt động thể lực trong thời gian dài.
- Béo phì do nguyên nhân nội sinh: chiếm khoảng 10% các trường hợp béo phì. Béo phì là do hậu quả của các bệnh lý nội tiết, di truyền. Trong những trường hợp này trẻ thường kèm theo các triệu chứng của bệnh nền, có thể chậm phát triển tâm thần, vận động và thiếu chiều cao.
3. Trẻ em có nguy cơ béo phì
- Trẻ có cân nặng sơ sinh> 4 kg.
- Trẻ suy dinh dưỡng sớm.
- Trẻ có chế độ ăn mất cân đối: Ăn nhiều thức ăn giàu năng lượng, thức ăn nhanh, thức ăn nhiều chất béo, ăn ít rau.
- Trẻ ít hoạt động thể lực.
- Gia đình có nhiều người thừa cân, béo phì.
- Gia đình ít con.
- Sống ở đô thị.
4. Hậu quả
- Béo phì ở trẻ em có thể dẫn đến nhiều hậu quả xấu cho sức khỏe:
- Làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý không lây nhiễm và rối loạn chuyển hóa như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh tim mạch, sỏi mật, gan nhiễm mỡ, một số bệnh ung thư, rối loạn lipid máu.
- Gây biến chứng cơ xương khớp.
- Ngưng thở lúc ngủ.
- Hội chứng giả u não, rối loạn cảm xúc, trầm cảm.
- Béo phì có thể gây dậy thì sớm, rối loạn chức năng sinh dục, vô sinh.
- Tự ti, rối loạn cảm xúc, không hài lòng với hình dáng cơ thể.
- Trẻ dễ bị kỳ thị, ấn tượng xấu.
5. Biểu hiện béo phì
- Trẻ thường biểu hiện tăng cân nhanh, có nhiều ngấn mỡ ở bụng, cổ, gáy, sạm da, nứt da.
- Trong các trường hợp béo phì nặng, có biến chứng, trẻ có thể có biểu hiện lâm sàng như đau bụng, nhức đầu, khó thở về đêm, ngủ ngáy, đau và hạn chế cử động khớp, chân vòng kiềng, vô kinh, thiểu kinh, chóng mặt, rậm lông…
- Chỉ số khối cơ thể, tỷ lệ mỡ cơ thể, vòng bụng cao đến ngưỡng chẩn đoán béo phì:
- Trẻ dưới 5 tuổi, thừa cân khi BMI theo tuổi và theo giới ≥ +2SD và béo phì khi ≥ +3SD.
- Trẻ trên 5 tuổi, thừa cân khi BMI theo tuổi và theo giới ≥ +1SD, béo phì khi ≥ +2SD.
6. Nguyên tắc điều trị
- Điều trị béo phì là một quá trình phối hợp giữa các biện pháp giúp tăng tiêu hao năng lượng và giảm năng lượng trong khẩu phần ăn hàng ngày. Đồng thời phải bảo đảm duy trì sức khỏe, ổn định huyết động học và bảo đảm sự tăng trưởng.
- Điều trị béo phì ở trẻ em cần phải tái khám nhiều lần trong thời gian dài ít nhất là 6 tháng. Cha mẹ hoặc người chăm sóc chính, phải tham gia vào quá trình điều trị béo phì của con mình mới đạt hiệu quả.
7. Chế độ dinh dưỡng
- Xây dựng thực đơn cung cấp năng lượng, chất đạm, các vitamin, khoáng chất và chất xơ theo nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị theo lứa tuổi, giới tính, mức độ hoạt động thể lực và mức tiêu hao năng lượng. Nếu có chỉ định giảm cân phải xây dựng thực đơn, trong đó cắt giảm năng lượng ở trẻ em so với nhu cầu năng lượng theo tuổi.
- Chế độ ăn cắt giảm bớt lượng chất bột đường, chất béo ở mức độ vừa phải và tăng tỷ lệ protein sẽ đạt hiệu quả giảm cân bền vững nhiều hơn là chế độ giảm rất thấp chất bột đường, chất béo. Chọn thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp.
- Đảm bảo đủ các vi chất có vai trò trong phát triển bộ xương như canxi, photpho, Mg, kẽm, iod, vitamin D…
- Đảm bảo chất xơ 0,5 g/ kg/ ngày ở trẻ em. Khuyến khích trẻ ăn nhiều rau và trái cây trong ngày. Lượng rau ở mức tối thiểu 300 g/ ngày, trái cây 100 g/ ngày.
- Hạn chế đường, thức ăn ngọt và đồ uống có đường.
- Giảm muối và gia vị mặn.
- Hạn chế cho trẻ ăn mỡ, phủ tạng động vật, da động vật, món chiên xào.
- Cho trẻ ăn đúng giờ, ăn đủ bữa, không bỏ bữa nhất là bữa ăn sáng. Hạn chế ăn sau 20 giờ.
- Sử dụng các thực phẩm có đậm độ năng lượng thấp. Chọn loại sữa năng lượng thấp, không đường, ít chất béo.
- Kiểm soát thực phẩm trẻ mua tại căn tin, trước cổng trường và gần nhà. Hạn chế cho trẻ ăn đi ăn ngoài đặc biệt là các cửa hàng thức ăn nhanh (hamburger, gà rán…).
8. Chế độ vận động
- Hướng dẫn và hỗ trợ trẻ tăng cường vận động, thông qua luyện tập thể dục thể thao, làm việc nhà, tăng cường vận động, tham gia các hình thức vui chơi, giải trí.
- Thời gian vận động theo khuyến nghị ở trẻ em 1- 5 tuổi: 3 giờ mỗi ngày. Ở trẻ 5 – 17 tuổi: 60 phút vận động cường độ trung bình và mạnh hàng ngày.
- Loại hình vận động: Lựa chọn cả hai loại vận động aerobic và vận động có sức đề kháng.
- Cường độ vận động ở từ trên trung bình.
- Luyện tập: Nên tham gia ít nhất một môn thể thao như bơi, võ, các môn bóng, khiêu vũ, thể hình, tạ…
- Giảm thời gian hoạt động tĩnh tại: Thời gian hoạt động tĩnh tại không quá 2 giờ một ngày. Tránh cho trẻ ngồi lâu một chỗ, đọc truyện, chơi game, xem TV… kéo dài.
- Không thức khuya.
- Cha mẹ hay thành viên khác trong gia đình phải cùng thực hiện hành vi ăn uống và vận động thể lực lành mạnh để làm gương cho trẻ.
- Theo dõi cân nặng định kỳ tại nhà và tại trường học giúp đạt mục tiêu đã được bác sĩ chỉ định.