Tiêm phòng là điều rất cần thiết để phòng tránh và bảo vệ bé trước những bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên, trước khi cho trẻ đi tiêm phòng, cha mẹ cần đặc biệt chú ý đến sức khỏe của con, phải đảm bảo bé thật sự đủ sức khỏe để có thể thực hiện mũi tiêm. Nếu trẻ ốm hoặc sốt thì không nên tiêm cho trẻ.
Sau đây là những điều cha mẹ cần chú ý khi đưa trẻ đi tiêm phòng
Mang theo tất cả sổ tiêm chủng và phiếu tiêm chủng của bé
- Vì trong sổ và phiếu sẽ ghi đầy đủ các mũi tiêm mà bé đã được thực hiện trước đây, vì vậy sổ tiêm chủng và phiếu tiêm chủng vô cùng quan trọng khi đưa bé đi tiêm phòng. Điều này giúp rất nhiều cho bác sĩ khi tham vấn để hỗ trợ phụ huynh lựa chọn phương án tiêm tối ưu cho bé như tiêm nhắc, tiêm bù các mũi bỏ sót, tiêm thêm những mũi còn thiếu…
Trao đổi với bác sĩ tất cả các loại thuốc mà bé đã hoặc đang sử dụng
- Trước khi đưa bé đi tiêm phòng, mẹ cần thống kê lại tất cả các loại thuốc mà bé đang sử dụng hoặc đã sử dụng trong thời gian gần đây và khai báo với bác sĩ. Bởi có những loại thuốc sẽ làm giảm hiệu quả của vaccine hoặc gây ra rủi ro khi tiêm chủng.
Trao đổi với bác sĩ tất cả các loại vaccine, thuốc, thức ăn mà bé từng bị dị ứng
- Nếu bé đã từng dị ứng với một loại vaccine đã được tiêm trước đây thì cha mẹ bắt buộc phải báo ngay cho bác sĩ biết. Các bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn phương án xử lý trong từng trường hợp cụ thể. Đây là một thông tin hết sức quan trọng nhằm hạn chế tối đa các phản ứng dị ứng có thể xảy ra sau tiêm.
Chăm sóc bé sau tiêm
- Sau tiêm chủng cho trẻ ở lại theo dõi 30 phút tại điểm tiêm chủng để phát hiện sớm các phản ứng sau tiêm có thể xẩy ra, tiếp tục theo dõi tại nhà ít nhất 24 giờ sau tiêm chủng, người theo dõi trẻ phải là người trưởng thành và biết chăm sóc trẻ.
- Sau khi thực hiện mũi tiêm, bạn nên chườm khăn sạch có thấm nước lạnh vào vị trí tiêm của bé, để giúp con giảm đau và để vết tiêm không bị sưng tấy. Nếu vết có sưng đau và không nên hạ sốt bằng thuốc aspirin. Ngoài ra, bố mẹ cũng không nặn chanh, đắp khoai, kiêng tắm rửa vì dễ gây nhiễm trùng.
- Sau tiêm phòng, việc chăm sóc bé là khâu quan trọng. Cha mẹ nên tiếp tục cho bé bú mẹ hoặc uống thêm nước, uống thuốc hạ sốt – giảm đau paracetamol nếu bé sốt hay quấy khóc với liều thuốc là 10 – 15mg/kg cân nặng của trẻ.
- Cần theo dõi chặt chẽ các phản ứng của bé sau khi tiêm vaccine bao gồm: tinh thần, tình trạng ăn, ngủ, dấu hiệu về nhịp thở, nhiệt độ, phát ban, các biểu hiện tại chỗ tiêm để có thể phát hiện kịp thời các dấu hiệu bất thường về sức khỏe của trẻ.. Thông thường bé có thể sốt, sưng, nóng, đỏ hoặc đau ở vị trí tiêm. Đó là biểu hiện cho thấy cơ thể đang tìm cách thích nghi với vaccine và bố mẹ chỉ cần chăm sóc tại nhà.
- Tuy nhiên, nếu con có những biểu hiện như sốt cao trên 38,5oC, nổi ban, các triệu chứng sốt, sưng đau tại chỗ, sốt quấy, bú kém, biểu hiện nặng hơn sau 24 tiếng, co giật, tím tái… bố mẹ hãy đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế.
- Lưu ý đặc biệt khi cho trẻ đi tiêm phòng
- Cho trẻ mặc đơn giản, thông thoáng để giúp các chuyên gia thao tác chính xác, nhanh gọn. Trước khi tiêm, không cho trẻ ăn, bú sữa quá no, cũng không để quá đói dẫn tới tình trạng kiệt sức, hạ huyết áp sau khi tiêm.
- Cho trẻ nghỉ ngơi tại chỗ 30 phút sau tiêm để theo dõi. Thông thường tai biến nếu có sẽ xảy ra rất nhanh, chỉ 7-10 phút sau tiêm.
- Thông báo với các chuyên gia y tế nếu trẻ có tiền sử sốc phản vệ nhẹ ở những lần tiêm trước để được tư vấn và đưa ra phác đồ tiêm hợp lý.
- Trẻ chỉ được tiêm phòng khi hoàn toàn khỏe mạnh. Tuyệt đối không tiêm khi trẻ sốt, mệt mỏi.
- Cho trẻ tiêm tại các bệnh viên hoặc trung tâm tiêm phòng lớn, có các chuyên gia y tế có chuyên môn và thiết bị cấp cứu hiện đại để được xử lý kịp thời nếu có xảy ra sốc phản vệ.
- Tiếp tục chườm mát vết tiêm cho trẻ, theo dõi và cho trẻ uống nhiều nước, bú mẹ nhiều hơn.
- Khi có triệu chứng bất thường, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất.