Rối loạn tiêu hóa là tình trạng co bóp bất thường các cơ vòng của ống tiêu hóa, gây đau bụng, đi ngoài phân lỏng hoặc táo, kèm theo đầy bụng, chướng hơi.
Rối loạn tiêu hóa ở trẻ em rất nguy hiểm, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ, là nguyên nhân gây chậm lớn, chậm tăng cân, còi xương, suy dinh dưỡng…. Nhiều trường hợp cấp tính có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa ở trẻ em
– Lạm dụng thuốc kháng sinh:
Thuốc kháng sinh được sử dụng rất rộng rãi, có tác dụng điều trị các bệnh lý nhiễm khuẩn. Nhưng đồng thời, thuốc kháng sinh cũng tiêu diệt luôn các vi khuẩn có ích ở đường tiêu hóa. Đây là lý do thường gặp gây rối loạn tiêu hóa ở trẻ em.
– Nhiễm khuẩn đường tiêu hóa:
Ở trẻ em, hệ miễn dịch chưa phát triển đầy đủ, sức đề kháng yếu nên rất dễ bị nhiễm khuẩn, trong đó có nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, gây rối loạn tiêu hóa.
– Chế độ ăn:
Thức ăn, đồ uống nếu không đảm bảo có thể là nguyên nhâng gây nhiễm khuẩn tiêu hóa. Ngoài ra, thành phần thức ăn cũng có thể gây rối loạn tiêu hóa. Chẳng hạn như thức ăn nhiều đạm, ít chất xơ có thể gây táo bón; thức ăn chứa các thành phần mà đường tiêu hóa của trẻ không hấp thu được cũng gây rối loạn tiêu hóa.
Biểu hiện của rối loạn tiêu hóa
– Nôn, trớ: Có thể tự nhiên nôn, nhưng phần lớn thường nôn sau một kích nhẹ, chẳng hạn như nôn sau ăn, khi ho hoặc khóc.
– Tiêu chảy cấp: Tiêu chảy là khi trẻ đi ngoài phân lỏng trên 3 lần mỗi ngày. Tiêu chảy ở trẻ em có thể gây mất nước, rối loạn điện giải, rất nguy hiểm.
– Đầy hơi, chướng bụng: Trường hợp này cũng khá thường gặp, bụng có thể chướng căng, ấm ách, rất khó chịu.
– Táo bón: Táo bón là khi trẻ đi ngoài không quá 3 lần trong 1 tuần, kèm theo phân cứng, vón cục.
Hậu quả của rối loạn tiêu hóa ở trẻ em
– Rối loạn tiêu hóa là nguyên nhân gây chán ăn, bỏ ăn, không chịu ăn, kém hấp thu. Tình trạng này kéo dài gây chậm lớn, chậm tăng cân, thậm chí gầy sút cân, còi xương, suy dinh dưỡng….
– Rối loạn tiêu hóa làm ảnh hưởng cả đến sự phát triển về thể chất, trí não ở trẻ, làm chậm phát triển chiều cao, không phát triển đến chiều cao tối đa ở tuổi trưởng thành
– Trường hợp cấp tính, như tiêu chảy cấp, nôn nhiều có thể gây mất nước, rối loạn điện giải. Ở trẻ em mất nước vô cùng nguy hiểm, nếu không được bù nước và điện giải sớm, kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng.
– Ngược lại, từ tình trạng suy dinh dưỡng, làm giảm sức đề kháng, hay ốm vặt, rất dễ bị nhiễm khuẩn tiêu hóa, là nguyên nhân gây ra rối loạn tiêu hóa, tạo nên bệnh cảnh gọi là vòng xoắn bệnh lý.
Dự phòng rối loạn tiêu hóa
Rối loạn tiêu hóa cho dù nhẹ cũng ít nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là ở trẻ em thì rối loạn tiêu hóa có thể gây chậm lớn, gầy sút cân, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Cho nên, dự phòng rối loại tiêu hóa là vô cùng quan trọng, phải dự phòng sớm, từ khi chưa bị rối loạn tiêu hóa. Các biện pháp dự phòng bao gồm:
– Sử dụng men vi sinh:
Tại đại tràng, các vi khuẩn có nhiệm vụ biến đổi các thức ăn chưa tiêu hóa hết ở ruột non thành các các loại vitamin, acid amin, các loại men, các chất dinh dưỡng khác,…. và sinh ra các khí NH3, CO2, H2S… Quá trình này gọi là lên men mà nhờ đó thức ăn được tiêu hóa hoàn toàn.
Ngoài ra, các vi khuẩn có ích có khả năng tiêu diệt, lấn át và ngăn cản sự phát triển của các vi khuẩn có hại. Vi khuẩn có lợi còn tiết ra các acid hữu cơ, các chất diệt khuẩn, có tác dụng ức chế cả các vi khuẩn có hại.
Mấu chốt của chứng rối loại tiêu hóa ở trẻ chính là việc thiếu hụt các vi khuẩn có lợi trong đường ruột. Vì vậy mà dự phòng rối loạn tiêu hóa, việc bổ sung các vi khuẩn có lợi là vô cùng quan trọng, vừa giúp ổn định hệ vi sinh đường ruột, giúp tăng sức đề kháng và tăng cường hấp thu chất dinh dưỡng.
– Vệ sinh môi trường: Vệ sinh môi trường xung quanh sạch sẽ, vệ sinh tay, chân, đồ chơi của trẻ,…. Lưu ý là rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
– Chế độ ăn phù hợp: Cung cấp cho trẻ đầy đủ chất dinh dưỡng, cân đối theo lứa tuổi, thức ăn cho trẻ phải có đủ rau xanh, củ quả, trái cây, vitamin và các dưỡng chất cần thiết.