Trẻ em luôn học hỏi từ chính cuộc sống hàng ngày và cách hiệu quả nhất để dạy bọn trẻ là làm mẫu và đối xử với chúng theo cách mà bạn muốn chúng đối xử với người khác, bằng tình thương và sự thấu hiểu chứ không phải la mắng hay sử dụng các biện pháp kỷ luật. Dưới đây là những lời khuyên nuôi dạy trẻ cư xử ngoan ngoãn, lễ phép ngay từ khi còn tấm bé mà mọi ông bố bà mẹ nên cùng suy ngẫm:
Hãy là một tấm gương tốt
Từ xưa tới nay, cách tốt nhất để nuôi dạy nhân cách của trẻ chính là tự bản thân bố mẹ cần là một tấm gương cư xử đúng mực. Vẫn có câu ‘làm hay hơn nói hay’, vì vậy nếu bố mẹ chỉ nói lý thuyết suông nhưng lại không cư xử đúng như vẫn dạy con mình thì sẽ rất khó để cho con trẻ học theo. Hơn nữa, trẻ nhỏ luôn có xu hướng học theo những điều chúng quan sát ở xung quanh, chính vì vậy cách cư xử của bố mẹ sẽ góp phần lớn vào việc định hướng hành vi của con trẻ.
Dạy trẻ từ nhỏ
Sẽ không bao giờ là quá sớm để giáo dục một đứa trẻ cư xử ngoan ngoãn. Ở mỗi độ tuổi, bố mẹ sẽ cần có một phương pháp dạy trẻ riêng hiệu quả. Theo các chuyên gia, nền móng tính cách và lối cư xử của một đứa trẻ thường được hình thành trước 5 tuổi. Chính vì vậy, các ông bố bà mẹ nên nghiêm túc đặt ra mục tiêu giáo dục con cư xử ngoan ngay từ khi còn tấm bé.
Luôn nhất quán
Con trẻ thông minh và nhạy cảm hơn bạn nghĩ rất nhiều. Bạn nghĩ rằng nếu đưa cho con một cái kẹo khi con đang khóc sẽ không sao cả vì “chỉ một lần thôi mà”. Nhưng bạn càng đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của con thì con sẽ càng muốn được chiều theo cách của mình. Chính vì vậy, việc đặt ra giới hạn và áp dụng chúng một cách nhất quán trong gia đình là rất quan trọng. Bố và mẹ cần phối hợp thống nhất khi nói đến những quy tắc gia đình vì nếu hai người lại đưa ra những nguyên tắc khác nhau thì chắc chắn sẽ khó có thể dạy bé cư xử đúng cách được.
Không dạy trẻ khi đang tức giận
Khi đang tức giận, cha mẹ có thể không thể kiểm soát hành vi của mình
nên việc để trẻ nghe lời là rất khó (Ảnh minh họa)
Việc ‘chỉnh đốn’ con trẻ khi bạn đang tức giận thường không phải là một việc khôn ngoan. Trong khi tâm trạng đang bị chi phối bởi việc khác, lời nói và hành động dạy dỗ lúc này sẽ rất có thể khiến bố mẹ phải hối hận sau đó.
Khen khưởng đúng lúc
Khi làm việc tốt mọi người đều xứng đáng được khen thưởng, trẻ con cũng vậy. Phần thưởng của bố mẹ khi bé cư xử ngoan ngoãn hay đã sửa được thói quen xấu chắc chắn sẽ tạo động lực để bé duy trì lối cư xử đúng đắn này. Phần thưởng ở đây không nên quá thiên về vật chất mà có thể chỉ là lời khen, một cử chỉ quan tâm hay khích lệ. Ngoài ra, bố mẹ cũng cần chọn đúng thời điểm để khen ngợi bé, tốt nhất là ngay sau khi quan sát thấy biểu hiện tích cực của bé. Tuy nhiên, bố mẹ cũng phải liên tục đánh giá ‘động cơ’ khiến con trẻ cư xử ngoan ngoãn để chắc chắn rằng chúng không chỉ như vậy bởi vì những món quà nhận được.
Phần thưởng không nên quá thiên về vật chất mà có thể
chỉ là lời khen, một cử chỉ quan tâm hay khích lệ. (Ảnh minh họa)
Khuyến khích thường xuyên
Trẻ nhỏ ham chơi thường mau quên, chính vì vậy việc thường xuyên khuyến khích nhắc nhở bé sẽ giúp bé cảm nhận được sự quan tâm và tin tưởng từ bố mẹ với hành động của mình, từ đó sẽ cố gắng cư xử tốt hơn. Luôn ủng hộ khuyến khích con trẻ cũng chính là một cách tạo động lực cho bé cư xử lễ phép.
Cho trẻ một không gian riêng
Nên cho bé một không gian riêng để được phát triển cá tính của mình. (Ảnh minh họa)
Việc dạy con không đồng nghĩa với việc áp đặt mọi quy tắc cử xử và bắt bé nhất mực làm theo. Bố mẹ đôi khi cũng nên cho bé một không gian riêng để được phát triển cá tính cũng như những đặc điểm độc đáo của mình. Thêm vào đó, bố mẹ cũng không nên thường xuyên so sánh con mình với những đứa trẻ khác, bởi điều này rất dễ khiến trẻ bị áp lực và căng thẳng, đôi khi còn có thể khiến trẻ có cảm giác mặc cảm.
Cho trẻ mắc sai lầm
Hãy cho con trẻ cơ hội để tự đưa ra và thực hiện quyết định của mình. Bởi nếu bố mẹ luôn quyết định thay cho trẻ việc nào là tốt, việc nào là không được làm thì sớm muộn cũng khiến bé bị phụ thuộc và có thói quen ý lại. Đôi khi việc mắc sai lầm lại là cách rất tốt để dạy bé một bài học lớn. Tuy nhiên bố mẹ hãy luôn quan sát bé để chắc chắn bé không cư xử quá tiêu cực.