Buộc trẻ thốt ra 2 tiếng “Xin lỗi” không chỉ dạy trẻ bài học sai lầm mà nó còn không thực sự giúp giải quyết vấn đề.
Khi trẻ con đánh nhau, hay nói một cách cụ thể, khi đứa trẻ này bắt nạt/cư xử tồi tệ với một đứa trẻ khác, cha mẹ thường nhanh chóng phân xử bằng cách yêu cầu trẻ xin lỗi. “Nói con xin lỗi đi”, cha mẹ hướng dẫn và bọn trẻ thường nghe theo, ngay cả khi chúng không cần thiết phải nói lời xin lỗi. “Xin lỗi”, hai tiếng ấy được thốt lên, nhưng không hoàn toàn thuyết phục.
Theo Laura Markham, nhà tâm lý học trẻ em, tác giả cuốn sách “Peaceful Parent, Happy Siblings: How to Stop the Fighting and Raise Friends for Life”, những lời xin lỗi ép buộc như trên có hại nhiều hơn có lợi. Đó là vì, nếu bạn hỏi con điều chúng nghĩ về việc xin lỗi sau khi gây gổ với đứa trẻ khác, chúng sẽ là người đầu tiên nói với bạn rằng: Xin lỗi quá ư vô nghĩa!
“Khi con điên lên thì con ghét phải xin lỗi lắm. Nó chỉ khiến con thấy điên hơn thôi”. “Con chẳng thích tí nào khi anh phải xin lỗi con chỉ vì bố mẹ bắt làm điều đó. Bởi vì anh ấy xin lỗi mà chẳng có ý hối lỗi gì cả. Làm con lại càng thấy điên hơn”. “Xin lỗi khi không có ý nhận lỗi là nói dối”.
Buộc trẻ thốt ra 2 tiếng “Xin lỗi” không chỉ dạy trẻ bài học sai lầm mà nó còn không thực sự giúp giải quyết vấn đề. Chuyên gia tâm lý Markham giải thích: “Nhiều thập kỷ nghiên cứu về mối quan hệ tình cảm cho thấy, khi một người cảm thấy bị ép buộc phải xin lỗi trước khi anh ấy/cô ấy sẵn sàng làm thế, nó không hề giúp hàn gắn mối quan hệ. Chúng tôi tin rằng, điều đó cũng đúng với đối tượng là con trẻ, trong những vấn đề liên quan tới anh chị em và bạn bè”.
Vậy cha mẹ có thể làm gì?
1. Tập trung vào việc giúp đỡ trẻ giao tiếp hơn là nghi thức xin lỗi đơn thuần
Nếu bạn thực hành việc giúp con trẻ diễn tả mong muốn và nhu cầu của chúng, biết cách lắng nghe lẫn nhau và nhắc lại những điều chúng nghe anh/chị/em/bạn bè của mình nói, trẻ sẽ bắt đầu tìm cách hàn gắn tranh chấp ở mức độ sâu sắc hơn. Khi đó, những lời xin lỗi thường trở nên thừa thãi. Điều này đúng với cả người lớn.
2. Chờ đợi cho tới khi cơn giận nguôi ngoai
Nếu con bạn gợi ý được xin lỗi, hãy lắng nghe ý kiến của con. Nếu con vẫn còn giữ vẻ giận dữ, hãy làm rõ với con rằng, bạn không hề muốn con phải xin lỗi cho tới khi con thật lòng muốn làm thế. Cha mẹ có thể nói những câu như: “Mẹ sẽ không yêu cầu con phải nói điều gì đó không đúng sự thật bởi vì mẹ không nghĩ nó giúp bất cứ ai cảm thấy khá hơn”.
3. Trao cho con quyền tự quyết, tự hàn gắn và sửa sai
Điều này không đồng nghĩa với việc phó thác một “hậu quả” nào đó cho con, coi như cách trả món nợ mà con vừa mắc phải. Thay vào đó, bạn hãy khích lệ con lựa chọn sẽ làm gì để cải thiện tình hình. Bạn có thể chia sẻ với con một vài ý tưởng – viết một tấm thiệp xinh, sửa lại món đồ chơi bị vỡ. Nhưng theo Markham, cha mẹ chỉ nên nói: “Cha/mẹ biết con sẽ tìm ra cách hoàn hảo để làm” rồi rời khỏi phòng.
4. Làm gương cho con trẻ
Markham viết: “Con trẻ học được từ chúng ta cách xử lý, sửa chữa những rạn vỡ trong mối quan hệ”. Do đó, việc thể hiện thành ý trong lời xin lỗi hoàn toàn phụ thuộc vào các bậc phụ huynh. Điều này đồng nghĩa với việc, bản thân cha mẹ phải hết sức cẩn trọng để không thốt lên hai tiếng “Xin lỗi” một cách vô tâm vô nghĩa.