“Trẻ sơ sinh” là thuật ngữ chỉ những trẻ mới sinh cho đến đủ 28 ngày tuổi (một số tài liệu tính đến đủ 30 ngày tuổi). Đây là những ngày đầu đời của trẻ, thời kỳ mà trẻ bắt đầu làm quen với môi trường bên ngoài.
Giai đoạn sơ sinh các chức năng của cơ thể trẻ vẫn còn yếu, chưa hoàn chỉnh, rất dễ bị rối loạn tiêu hóa. Rối loạn tiêu hóa ở trẻ sơ sinh rất nguy hiểm, là nguyên nhân gây chậm tăng cân, còi xương suy dinh dưỡng, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng.
Nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa ở trẻ sơ sinh
Nguyên nhân hàng đầu gây rối loạn tiêu hóa ở trẻ sơ sinh phải kể đến là trẻ không được bú sữa mẹ hoàn toàn. Nếu vị lý do nào đó mà trẻ không được bú sữa mẹ hoàn toàn, chẳng hạn như mẹ không đủ sữa hoặc mất sữa,… khi đó trẻ phải uống sữa ngoài (sữa công thức) thì nguy cơ bị rối loạn tiêu hóa rất cao.
Sử dụng thuốc kháng sinh cũng dễ gây rối loạn tiêu hóa. Thuốc kháng sinh ngoài tác dụng điều trị nhiễm khuẩn, còn diệt luôn cả các vi khuẩn có lợi trong đường ruột, gây loạn khuẩn đường ruột.
Ở trẻ sơ sinh, sức đề kháng còn yếu, rất dễ bị nhiễm khuẩn đường ruột, đây cũng là nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa. Nhiễm khuẩn có thể từ môi trường xung quanh, từ đồ dùng cho bé, đồ chơi, thậm chí từ chính những người thân.
Biểu hiện rối loạn tiêu hóa ở trẻ sơ sinh
– Ộc sữa: Hay gặp nhất, trẻ có thể tự nhiên bị ộc sữa, ộc sữa ngay sau khi bú hoặc là sau các kích thích nhẹ như khóc, ho,….
– Táo bón: Rất thường gặp, nhất là ở những bé uống sữa công thức. Trẻ đi ngoài phân cứng, vón cục, đi ít hơn 3 lần mỗi tuần.
– Tiêu chảy: Nếu trẻ đi ngoài phân toàn nước mà trên 2 lần mỗi ngày thì được coi là tiêu chảy cấp. Trường hợp này cũng khá thường gặp ở những trẻ mà không được bú sữa mẹ hoàn toàn. Tiêu chảy ở trẻ sơ sinh có thể gây mất nước, rối loạn điện giải, nguy hiểm đến tính mạng.
– Chướng bụng: Bụng chướng, đầy hơi, ậm ạch,… khiến cho bé chậm tiêu hóa hóa thức ăn, bỏ bú.
Sự nguy hiểm của rối loạn tiêu hóa ở trẻ sơ sinh
Trường hợp bị tiêu chảy cấp, có thể gây mất nước, rối loạn điện giải. Tình trạng mất nước sẽ nghiêm trọng hơn nếu kèm theo nôn nhiều. Lượng nước chiếm đến 75% trọng lượng cơ thể trẻ sơ sinh, nên mất nước ở trẻ sơ sinh vô cùng nguy hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng. Chính vì điều này mà trong cấp cứu tiêu chảy cấp ở trẻ sơ sinh và trẻ em nói chung, bù dịch là ưu tiên hàng đầu.
Bị rối loạn tiêu hóa có thể làm suy giảm sức đề kháng, nguy cơ cáo gây ra các bệnh lý nhiễm khuẩn, làm tăng nguy cơ rối loạn tiêu hóa. Tạo nên bệnh cảnh gọi là vòng xoắn bệnh lý.
Rối loạn tiêu hóa ở trẻ sơ sinh nếu kéo dài rất nguy hiểm, có thể gây chậm lớn, chậm tăn cân, thậm chí gầy sút cân, là nguyên nhân gây còi xương, suy dinh dưỡng. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, có thể để lại hậu quả suốt đời, chậm phát triển xương, chậm phát triển chiều cao sau này, dẫn đến lùn khi đến tuổi trưởng hành.
Dự phòng rối loạn tiêu hóa ở trẻ sơ sinh
Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ, chứa đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Đồng thời, sữa mẹ còn chứa các kháng thể, các bạch cầu, interferon giúp trẻ chống lại nhiễm khuẩn đường tiêu hóa. Sữa mẹ còn chứa chất xơ hòa tan làm tăng nhu động ruột, hạn chế nguy cơ táo bón ở trẻ. Nếu mẹ đủ sữa, tốt nhất cho bé bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Cho trẻ bú sữa mẹ sớm ngay sau khi sinh là biện pháp tốt nhất để nâng cao sức đề kháng cho trẻ và dự phòng rối loạn tiêu hóa.
Nếu trẻ dùng sữa công thức thì phải lựa chọn loại sữa phù hợp đối với lứa tuổi của trẻ. Đồ dùng cá nhân như bình sữa, thì, cốc,… phải được vệ sinh sạch sẽ, phải luộc để khử trùng thường xuyên.
Vệ sinh môi trường xung quanh sạch sẽ, người thân phải rửa tay trước khi cho bé ăn hoặc sau khi đi vệ sinh. Đồ chơi của bé cũng phải được rửa vệ sinh sạch sẽ, hạn chế cho bé mút tay hoặc ngậm đồ chơi để tránh nhiễm khuẩn tiêu hóa.
Không nên cho bé uống thuốc kháng sinh nếu không thật sự cần thiết, chỉ dùng khi có bằng chứng chắc chắn của nhiễm khuẩn tiêu hóa và phải dùng theo chỉ định của bác sĩ.
Lựa chọn loại men vi sinh phù hợp và sử dụng thường xuyên cũng là biện pháp tốt để dự phòng rối loạn tiêu hóa ở trẻ sơ sinh.