Tết đến gia đình nào cũng muốn chuẩn bị những mâm cơm ngày Tết thật thịnh soạn, nhiều món ăn ngon. Những món ngon ý nghĩa cho mâm cơm ngày Tết giúp thể hiện được mong ước của mỗi người có một năm mới thật bình an, hạnh phúc.
Tết Mậu Tuất đang đến gần, bạn và người thân đã chuẩn bị những gì cho dịp Tết sắp đến này? Hãy cùng chúng tôi điểm qua những món ngon ý nghĩa cho mâm cơm ngày Tết để giúp chuẩn bị Tết được chu toàn hơn nhé.
1. Xôi gấc
Theo quan niệm lâu đời của dân ta thì màu đỏ là màu của may mắn hạnh phúc cho mọi người mọi nhà, vì vậy trong các ngày rằm, ngày lễ đặc biệt là trong ngày Tết cổ truyền nhà nào cũng sẽ có 1 đĩa xôi gấc.
Món này được nấu từ gạo nếp ngon trộn với gấc tươi rồi cho vào nồi hấp, sau khi đồ chín xôi sẽ có màu đỏ tươi rất đẹp. Một đĩa xôi gấc được đơm đầy đặn, cân đối, chỉnh chu trên mâm cúng ông bà tổ tiên ngày Tết không những tạo ra sự dung hòa và thuận lợi cho năm mới mà còn gửi gắm những giá trị tinh thần của ngày Tết truyền thống của dân tộc.
2. Bánh chưng
Bánh chưng được ví như linh hồn của mâm cơm ngày Tết nên đây là một món nhà nhà không thể thiếu, các nguyên liệu làm làm món này là sự hội tụ tinh hoa của đất trời và là loại bánh có lịch sử lâu đời trong nền văn hóa ẩm thực của Việt Nam.
Bánh chưng được làm từ loại gạo nếp ngon, thịt lợn, đậu xanh sau đó được gói vuông vức bằng lá dong và đem luộc suốt 14 tiếng đến khi chín. Nét đặc trưng cho món này là mùi thơm thơm ngon của gạo nếp và có màu xanh của lá.
Gói quà tết với một cặp bánh chưng xanh sẽ có ý nghĩa mang đến lời chúc may mắn và sung túc trong năm mới.
3. Dưa hành
Dưa hành thường đi kèm với bánh chưng xanh, vị cay cay và hơi chua được dùng ăn kèm với bánh chưng, hay các món ăn trong ngày tết vừa làm tăng thêm hương vị của thức ăn mà còn giúp cơ thể dễ tiêu hóa thức ăn hơn.
Bạn nên chọn củ hành già để có món dưa hành ngon, sau đó đem cắt bỏ phần lá rồi ngâm củ hành vào nước tro pha với hàn the khoảng 2 ngày. Bạn vớt ra bóc vỏ và cắt rễ rồi cho vào hộp muối với nước giấm nấu đường để nguội, khoảng vài ngày là có thể ăn được. Khi ăn nhiều thức ăn có dầu mỡ, ăn kèm dưa hành sẽ không bị ngấy và bạn sẽ thấy ngon miệng hơn.
4. Giò chả
Một món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày tết từ xưa tới nay chính là giò, đây là món ăn phổ biến cho ngày tết bận rộn, khách đến nhà bạn chỉ cần lấy miếng giò chả treo nơi góc bếp, cắt miếng vừa ăn sau đó xếp ra đĩa cùng với dưa món, vậy là có món ngon, đơn giản đãi khách. Giò có 2 loại là giò lụa và giò xào.
Giò lụa được làm từ thịt nạc ngon giã thật nhuyễn với nước mắm hảo hạng rồi được gói thành hình ống bằng lá chuối xanh sau đó cho vào nồi luộc hoặc hấp. Khi ăn thái thành từng khoanh, giò có màu trắng ngà, bề mặt có một vài lỗ rỗ mới là cây giò lụa ngon. Ngoại trừ sử dụng thịt heo, bạn có thể dùng thịt bò để làm.
Giò xào hay còn gọi là giò thủ là món ăn được làm từ các bộ phận của thủ lợn như: tai, mũi lưỡi, má lợn… cùng mộc nhĩ, nấm hương, hạt tiêu. Những nguyên liệu được sơ chế sạch, trần qua nước sôi, xắt miếng mỏng, ướp gia vị, hạt tiêu rồi mới đem xào chín rồi dùng lá chuối hoặc khuôn để gói giò. Bạn nên cho giò vào ngăn mát tủ lạnh để khoanh giò được keo lại, giò xào ăn thơm và giòn của các gia vị gói kèm.
5. Thịt nấu đông
Trong những món ăn ngày tết không thể thiếu món thịt đông, một món ăn riêng của mùa đông miền Bắc với không khí càng lạnh thì món thịt đông sẽ trở nên càng ngon hơn.
Món này được chế biến từ thịt heo hoặc thịt gà được ninh nhừ, sau đó để thịt ngoài trời cho đông lại hoặc để bảo quản trong tủ lạnh thịt sẽ đông nhanh hơn. Khi thịt đông lại, trên bề mặt sẽ có một lớp mỡ màu trắng mịn như tuyết, phần thịt trong như thạch thể hiện cho sự trong trẻo, an lành suốt cả một năm mới.
Sự gắn kết, hòa quyện giữa các thành phần của món ăn một cách tự nhiên và đẹp mắt như một lời chúc may mắn dành cho tất cả mọi người.
6. Thịt gà luộc
Từ trước đến nay, mọi người luôn tin rằng gà mang đến niềm may mắn, sự khởi đầu thuận lợi cho năm mới. Tết là dịp gia đình sum họp quây quần nhưng cũng là dịp để hướng về nguồn cội, ông bà tổ tiên, món gà luộc để cúng cho ngày cuối và đầu năm là không thể thiếu cho bất cứ mâm cỗ cúng tết nào.
Gà sẽ được chọn những con tươi ngon, làm sạch rồi cho vào nồi luộc cùng với một số gia vị như gừng, hoa tiêu, hoa hồi. Gà luộc chín tới có màu vàng, không bị rách da và được trình bày kèm trên ban thờ tổ tiên.
7. Thịt kho tàu
Thịt kho tàu là món đặc trưng của miền Nam, nếu như miền Bắc có thịt nấu đông thì miền Nam có thịt kho tàu. Mỗi khi Tết cổ truyền đến thì gia đình nào cũng có một nồi thịt kho tàu, giúp gắn bó các thành viên trong gia đình từ bé đến lớn, khiến mọi người dễ dàng cảm nhận không khí hòa thuận, sum vầy – dấu hiệu của một năm mới thuận lợi, thành công.
Với những gì chúng tôi chia sẻ, hy vọng các bạn sẽ chế biến được những món ngon ý nghĩa cho mâm cơm ngày Tết phù hợp với gia đình mình. Chúc các bạn luôn khỏe và có được kỳ nghỉ Tết ý nghĩa bên gia đình.