Vào mùa đông thời tiết thay đổi đột ngột khiến trẻ dễ mắc các bệnh về hô hấp và diễn biến nặng do trẻ nhỏ và nhất là trẻ sơ sinh do sức đề kháng còn yếu.
Giữ ấm cho trẻ: Việc giữ ấm cho trẻ là rất quan trọng, tránh để trẻ bị nhiễm lạnh, nhất là vào ban đêm. Tránh cho trẻ đi chơi, ra ngoài vào những lúc trời lạnh. Tuy nhiên, chỉ nên giữ ấm cho trẻ vừa đủ, khi thời tiết không quá lạnh thì không nên mặc quá nhiều quần áo vì trẻ ra mồ hôi rất dễ thấm ngược vào cơ thể gây bệnh.
Tắm phải đúng cách: Tắm trong phòng kín gió, bật máy sưởi lên cho ấm phòng trước khi cho bé tắm. Hoặc mở vòi nước nóng để hơi nóng lan tỏa khắp phòng rồi hãy tắm cho bé. Cần lau rửa, tắm nhanh cho trẻ bằng nước ấm và ủ ấm ngay sau khi tắm để phòng nhiễm lạnh. Đối với trẻ đang ốm, cũng nên áp dụng cách này khi trời rét, vì không tắm cũng góp phần làm bệnh trở nặng hơn.
Mang khẩu trang: Trẻ đi học, phải ra đường trong trời rét, rất dễ cảm lạnh nếu không bảo vệ vùng mũi họng. Nhớ cho trẻ đeo khẩu trang bảo vệ mũi miệng, khăn cổ khi đi đường, dặn trẻ khi chơi ở sân trường nên tránh gió lùa, hay hoạt động nhiều gây ra mồ hôi.
Cho trẻ ăn uống đủ chất, ăn nhiều nhóm thực phẩm, nhất là các loại thực phẩm giúp tăng khả năng đề kháng như: rau xanh, hoa quả giàu vitamin C; nhóm thực phẩm nhiều sắt, kẽm như trứng, sữa…
Không nên cho trẻ đến những nơi đông người khi có dịch bệnh, nhà cửa cần được vệ sinh thường xuyên, thông thoáng khí.
Trẻ cần được tiêm chủng đầy đủ, nhất là mũi phòng bệnh thường gặp lúc giao mùa như: cúm, rubella, viêm phổi do phế cầu, sởi, ho gà… để được bảo vệ một cách tối đa.
Tiêm chủng đầy đủ sẽ khiến bé ít nhiễm bệnh dịch (Ảnh minh họa)
Đưa trẻ đến bệnh viện khám khi có dấu hiệu
– Trẻ từ 1 tuần đến 2 tháng: trẻ bỏ bú, hay bú kém, thở nhanh, rút lõm lồng ngực, cánh mũi phập phồng, thở rên, ngủ li bì, thóp phồng, chảy mủ tai, sốt, nhiều mụn ở da, cử động ít hơn bình thường.
– Trẻ từ 2 tháng đến 5 tuổi: trẻ có sốt hay sốt cao, mệt mỏi, đau họng, sổ mũi, nghẹt mũi, hắt hơi, ho, thở nhanh, chảy nước ở lỗ tai, không ăn uống được.
Không nên tự trị bệnh cho trẻ ở nhà. Không nên tự động cho trẻ uống thuốc, vì có thể bạn sẽ cho trẻ uống thuốc dành cho người lớn hoặc với liều lượng như của người lớn, như thế sẽ gây ngộ độc thuốc nguy hiểm cho trẻ. Ngoài ra nếu chữa không đúng, bệnh trẻ trở nặng hơn, khi vào bệnh viện sẽ khó điều trị.