Mùa lạnh được xem là “mùa của mầm bệnh”, hầu hết con trẻ thường mắc các bệnh về hô hấp, tiêu hóa, dị ứng,… và các loại bệnh tương tự trong thời gian này. Thực tế, với thời tiết mùa lạnh thất thường như hiện nay, việc chăm sóc và đảm bảo sức khỏe cho trẻ không hề đơn giản. Muốn trẻ luôn khoẻ mạnh chống trọi với những vi khuẩn gây bệnh, các bố mẹ hãy tăng sức đề kháng cho trẻ vào mùa đông bằng cách:
Cho trẻ bú sữa mẹ
Sữa mẹ có chứa các kháng thể giúp tăng cường hệ thống miễn dịch hiệu quả. Cho trẻ bú sữa mẹ sẽ giúp phòng tránh được nhiều bệnh như dị ứng, nhiễm trùng tai, viêm phổi, tiêu chảy, nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm màng não và hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh.
Thời gian tối thiểu các mẹ nên cho con bú bằng sữa mẹ là trong vòng một năm. Nếu không có điều kiện, nên cố gắng cho con bú ít nhất là hai đến ba tháng đầu chứ không nên cho con chỉ thuần ăn sữa ngoài.
Giảm ăn đường
Để tăng cường sức đề kháng cho trẻ vào mùa đông, các mẹ nên cho bé giảm ăn đường. Một chế độ ăn nhiều đường sẽ làm suy yếu hệ miễn dịch và làm suy giảm khả năng kháng khuẩn của cơ thể. Trong mùa đông, mẹ nên hạn chế cho trẻ ăn bánh kẹo hoặc dùng đồ uống có ga nhé.
Sữa chua
Sữa chua chứa nhiều các vi khuẩn có ích từ quá trình lên men, đường lactose trong sữa được chuyển thành axit lactic tạo môi trường an toàn trong ruột rất tốt cho hệ tiêu hoá của bé và còn làm tăng sức đề kháng hiệu quả. Đừng quên cho bé ăn một hũ sữa chua sau mỗi bữa ăn để bé tăng sức đề kháng vào mùa đông giá rét.
Rau củ
Các món ăn được chế biến từ rau củ sẽ mang đến cho bé lượng prebiotic và chất xơ dồi dào để có đường ruột khỏe mạnh và tăng cường sự hấp thu dinh dưỡng cũng như đào thải độc chất.
Khi thời tiết giao mùa, mẹ nên tăng cường cho bé ăn các loại rau củ có chứa nhiều vitamin A như bí đỏ, cà rốt, cà chua… để hỗ trợ hệ miễn dịch của bé.
Bổ sung acid amin
Acid amin là yếu tố cấu thành protein cơ thể, nên có thể nói, acid amin là một trong những yếu tố chính có ảnh hưởng đến hệ miễn dịch. Vì vậy, thiếu acid amin sẽ làm cho hệ thống miễn dịch bị suy yếu, giảm sản xuất kháng thể, cơ thể mệt mỏi, dễ bị mắc các bệnh về hô hấp, nhiễm trùng, viêm đường hô hấp.
Một chế độ ăn cân đối giữa đạm động vật và đạm thực vật sẽ giúp bổ sung đầy đủ các acid amin cần thiết cho cơ thể. Một số thực phẩm có nguồn gốc động vật: thịt cóc, thịt gà, thịt lợn, cá, trứng… và một số thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật (các loại đậu, ngũ cốc, khoai củ…) cũng chứa nhiều acid amin.
Giữ vệ sinh
Trước và sau mỗi bữa ăn hãy dạy trẻ giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ để phòng tránh vi khuẩn xâm nhập gây bệnh. Trong mùa đông thì hãy vệ sinh cho trẻ bằng khăn ấm, nước ấm để vừa sạch sẽ mà vừa không bị cảm lạnh.
Tạo thói quen ngủ đủ giấc, đúng giờ
Thiếu ngủ cũng là nguyên nhân dẫn đến sức đề kháng của trẻ suy giảm. Đến giờ ngủ, bạn nên yêu cầu bé lên giường ngay và đảm bảo thời gian ngủ của trẻ trong mức khoảng 9 giờ mỗi ngày.
Tăng cường các hoạt động thể chất
Theo một số nghiên cứu thì trẻ thừa cân do ít hoạt động thể chất có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm cao gấp 2 lần so với trẻ bình thường. Các hoạt động thể dục có khả năng kháng bệnh truyền nhiễm của bạch cầu, do đó bạn nên khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động thể chất sau mỗi giờ học, có thể là đạp xe, bơi lội hoặc chơi đùa trong một giờ.