Cảm cúm là bệnh về đường hô hấp mà trẻ nhỏ hay mắc phải, nhất là vào mùa lạnh. Chính vì vậy cha mẹ hết sức cẩn trọng và có những biện pháp phòng tránh bệnh cho bé.
Nguyên nhân gây cảm cúm cho bé
- Nguyên nhân gây bệnh cúm là do virus Orthomyxovirus influenzae, gồm có chủng cúm A, B, C gây ra. Trong đó, virus cúm A, B thường có nhiều biến đổi phức tạp và có nguy cơ bùng phát thành dịch mỗi năm. Còn virus chủng cúm C diễn biến nhẹ, thường xảy ra ngẫu nhiên
- Bệnh cúm lây lan trực tiếp từ người này sang người khác khi tiếp xúc với nước bọt của người bệnh thông qua ho, hắt hơi, hay trò chuyện. Ngoài ra, nếu bé tiếp xúc với nguồn bệnh thông qua đồ chơi, máy tính, muỗng, bát, hoặc bắt tay với người bệnh…cũng dễ bị lây bệnh cảm cúm.
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị cảm cúm
- Trẻ sốt cao 40 độ C kèm ớn lạnh, mệt lả.
- Trẻ bị nhức đầu, nhức mỏi cơ thể
- Trẻ bị viêm họng, ho, một số bé có thể bị nôn ói, đau bụng
Cách chăm sóc trẻ bị cảm cúm
- Khi trẻ bị cảm cúm mẹ nên cho bé nghỉ ngơi nhiều hơn. Đồng thời, nên cho bé ăn cháo, súp thay vì ăn cơm để giúp bé ăn ngon miệng nhằm cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cần thiết giúp bé mau khỏi bệnh.
- Bác sĩ chỉ định sử dụng acetaminophen hoặc ibuprofen để hạ sốt và giảm đau cho trẻ. Tuy nhiên, mẹ không nên tự ý mua thuốc cho bé uống mà nên cho bé uống theo sự chỉ dẫn của bác sĩ. Bên cạnh đó, cũng không được dùng aspirin cho trẻ dưới 16 tuổi uống vì sẽ tăng nguy cơ bị hội chứng Reye dẫn đến gây tổn hại cho gan và não bé.
- Nếu trẻ bị nghẹt mũi, mẹ dùng dung dịch nước muối sinh lý và ống hút mũi để loại bỏ chất nhờn cho bé. Bên cạnh đó, mẹ nên cho bé mặc ấm, giữ ấm phòng ngủ và nên cho bé tắm nhanh với nước ấm. Khi tắm mẹ có thể cho thêm vài giọt tinh dầu gừng, nước ép gừng cũng có tác dụng chữa cảm cúng và giúp bé dễ chịu hơn.
- Ngoài ra, mẹ cũng nên cho bé uống nhiều nước, đồng thời tăng độ ẩm cho phòng ngủ của bé giúp bé hết nghẹt mũi, từ đó giúp bé dễ chịu hơn.
Khi nào thì nên đưa bé đi bệnh viện?
- Khi trẻ bị cảm cúm kéo dài không can thiệp sớm trẻ có thể bị nhiễm trùng xoang, bị viêm tai và viêm phổi. Do vậy, khi bé có dấu hiệu sốt kéo dài từ 3-4 ngày mẹ nên cho bé đi bệnh viện ngay.
- Trẻ có dấu hiệu khó thở, đau tai, ngạt mũi hoặc đau đầu kèm ho kéo dài thì cũng nên cho bé đi bệnh viện để các bác sĩ can thiệp sớm.
- Da bé có biểu hiện xanh xao hoặc màu xám
- Trẻ khó thở dù đã được hút sạch chất nhờn trong mũi.
- Mắt bơ phờ, bé có dấu hiệu hôn mê cũng nên nhanh chóng đưa bé đến bệnh viện.
- Trẻ mất nước, khóc không có nước mắt, số lần đi tiểu giảm. Bên cạnh đó, trẻ thường xuyên cáu kỉnh, suy nhược cơ thể cũng nên nhanh chóng đưa bé đi bệnh viện.
- Trẻ có dấu hiệu động kinh mẹ cũng nên nhanh chóng đưa bé đến bệnh viện.
Cách phòng tránh cảm cúm cho bé vào mùa lạnh
- Để phòng tránh cảm cúm, mẹ nên cho bé tiêm chủng ngừa cúm theo quy định. Với những trẻ trên 2 tuổi có tiền sử bị hen suyễn nên cho bé chủng ngừa cúm dạng xịt mũi. Trẻ 6 tháng tuổi trở lên mẹ nên cho bé đi tiêm phòng cúm. Phụ nữ mang thai cũng nên tiêm phòng cúm.
- Ngoài ra, mẹ cũng nên bổ sung vitamin C để tăng sức đề kháng cho bé bằng cách tăng cường nhóm thực phẩm giàu vitamin C như: ổi, cam quýt, các loại rau màu xanh đậm như bông cải xanh, rau cải bó xôi,…
- Với những trẻ lớn mẹ có thể cho bé thường xuyên vận động để tăng cường sức khỏe và sức dẻo dai cho bé.
- Mặc ấm và giữ cho cơ thể của bé luôn ấm áp trong mùa đông. Khi cho bé ra ngoài mẹ nên cho bé quàng khăn, đội mũ len, mang tất tay, tất chân, mặc áo khoác. Riêng với những trẻ nhỏ mẹ nên dùng khăn voan để trùm mặt bé nhằm tránh gió thốc trực tiếp vào mặt bé, gây cảm cúm cho bé. Ngoài ra, nên đeo khẩu trang y tế khi cho bé đến những nơi đông người để tránh bị vi khuẩn cảm cúm lây lan.
- Dạy bé thói quen vệ sinh cá nhân sạch sẽ sau khi đi vệ sinh về và trước khi ăn.