Khi còn nhỏ, có nhiều bé thường đánh ông bà và các dì mỗi khi không vừa ý, và khi đến tuổi đi học thì cha mẹ suốt ngày đến xin lỗi nhà người ta vì tội con mình cắn bạn… những hành động trên của trẻ có thể là do bé không kìm nén được cảm xúc của mình hoặc do tính cách bé vốn dĩ hung hăng từ nhỏ. Vậy làm thế nào để hạn chế những hành động “bạo lực” của trẻ, khiến trẻ điềm đạm hơn là câu hỏi cần lời giải đáp của các bậc làm cha làm mẹ. Chúng ta cùng tìm hiểu nguyên nhân từ đó hạn chế và khắc phục những hành động bạo lực của trẻ nhé.
Nguyên nhân trẻ có những hành động bạo lực
Mặc dù bạn có thể cảm thấy sốc vì điều này, đó chỉ là một phần bình thường trong suốt quá trình phát triển của bé. Việc phát triển các kỹ năng mới, mong muốn được độc lập và chưa có khả năng kiểm soát các hành động bốc đồng khiến cho trẻ có những biểu hiện bạo lực trong độ tuổi này.
Những hành động như đánh bạn, thậm chí dùng răng cắn bạn là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn nên bỏ qua hoặc làm ngơ trước hành động của con. Hãy nhẹ nhàng cho bé biết những cách cư xử mang tính bạo lực như vậy là điều không thể chấp nhận và con cần có những cách khác để thể hiện suy nghĩ và cảm xúc của mình.
Cha mẹ nên làm gì để hạn chế hành động bạo lực của trẻ?
Cho bé thấy hậu quả bé phải nhận khi có hành động bạo lực
Chúng ta hay có thói quen diễn giải rất cụ tỉ với con như tìm hiểu nguyên nhân tại sao con lại làm như vậy, hoặc nếu bạn làm như thế với con thì con sẽ thế nào. Trẻ ở độ tuổi vừa biết đi sẽ không nhận thức được tình huống ngược lại và những giả định như thế. Tuy nhiên trẻ có thể hiểu được hậu quả của hành động bạo lực mà mình gây ra.
Ví dụ như bé ném quả bóng vào bạn trong nhà vui chơi, cách mẹ nên làm lúc này là dẫn bé ra khỏi nhà vui chơi, cho bé ngồi ở ngoài và nhìn các bạn vui chơi. Hãy nói với bé rằng, bé có thể vào trong vui chơi nếu như bé thực sự sẵn sàng tham gia mà không làm các bạn khác bị đau.
Giữ bình tĩnh – làm gương tốt cho bé
La mắng, đánh con hay nói với con rằng tính con thật xấu đều không thể giúp bé thay đổi hành vi của mình. Thay vào đó, hãy chỉ cho con biết nên làm như thế nào mới đúng. Xem cách bạn kiểm soát cơn nóng giận cũng có thể là bước đầu tiên giúp bé học cách kiểm soát mình.
Khuyên bảo con
Sau khi mọi việc đã lắng xuống và bé không còn tức giận nữa, hãy khuyên bảo bé, cho bé biết rằng cảm thấy tức giận là một điều vô cùng tự nhiên, nhưng con không thể thể hiện sự tức giận bằng cách đánh, đá hoặc cắn các bạn, cũng như những người khác.
Đồng thời, mẹ cần cho bé biết rằng bé cần phải xin lỗi khi bé đánh vào một ai đó. Mặc dù lời xin lỗi ban đầu không bắt nguồn từ sự chân thực, tức là bé vẫn chưa chấp nhận đó là lỗi của mình, bé sẽ ghi nhớ bài học này. Việc này sẽ giúp bé hình thành nên thói quen xin lỗi người khác khi mình gây ra lỗi.
Đặt ra một giới hạn rõ ràng
Hãy đáp lại hành động sai trái của bé ngay khi bé có biểu hiện hung hăng. Đừng đợi đến khi bé lặp đi lặp hành động đó rồi mới nói “Thôi đủ rồi!” và bắt đầu chú ý đến bé. Hãy đưa bé ra khỏi tình huống đó để bé kịp nhận thức lại hành động của mình và hiểu hậu quả của việc đó.
Khen thưởng khi bé có biểu hiện tốt
Không chỉ chú ý đến những hành động sai trái của con, bạn cũng cần quan tâm đến những khi bé có biểu hiện tốt. Không nên keo kiệt những lời khen đối với con cái, vì những lời khen luôn có sức mạnh rất đặc biệt đối với trẻ.
Hạn chế thời gian cho con xem TV
Các bộ phim hoạt hình hay các chương trình dành cho trẻ em có thể chứa các âm thanh hoặc cảnh phim đánh nhau, la hét, đe dọa… Hãy hạn chế cho con xem phim nếu bé có xu hướng bạo lực. Nhiều chuyên gia Nhi khoa ở Mỹ cho hay, trẻ dưới 2 tuổi không nên xem TV dù chỉ là một chút.