Vì sao trẻ tự ti, vì sao trẻ hay có sự phản kháng không tích cực đối với những hành động và lời nói của cha mẹ? Những lúc bạn nói, trẻ không nghe lời thậm chí cãi lại và bạn cho rằng trẻ hư nhưng đã bao giờ bạn tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến hành vi đó của trẻ? Thật ra, trẻ con như một tờ giấy trắng, muốn con trẻ ngoan ngoãn, lễ phép và hiểu chuyện cha mẹ không nên làm những điều dưới đây để tránh làm tổn thương tâm lý của trẻ:
Chế giễu cười nhạo trẻ
Khi trẻ làm sai hoặc có những hành động lạ lẫm bạn hay chọc hoặc nói về điều đó với một thái độ cười nhạo. Có thể 1,2 lần thì không có gì hoặc khi bé còn quá nhỏ chưa nhận thức được thì bình thường nhưng nếu lâu ngày và bé lúc này đã có ý thức thì có thể vô tình bạn làm trẻ bị tổn thương về tâm lý. Về sau sẽ làm bé rất mặc cảm và tự ti, dần dần bé sẽ không còn tự tin với những việc mình làm.
Hay so sánh bé với bạn bè cùng trang lứa
Nếu nói điều này vô tình bạn đã làm trẻ tổn thương, gây cho bé sự mặc cảm và hình thành trong bé sự hơn thua ganh tị. Đây là một tính cách không tốt đối với một đứa trẻ. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ làm bé chán nản, tự ti và không muốn làm gì cả vì bé nghĩ có làm gì thì cũng không được bạn chấp nhận và không bằng được người khác.
Do vậy, trong giai đoạn này bé có làm sai gì hoặc chưa vừa ý bạn có thể hướng dẫn bé làm lại cho đúng. Mặt khác, bạn luôn cần phải tạo cho bé một lòng tin để bé vui vẻ làm lại việc đó. Bạn nên có lời khen khi trẻ làm đúng, dần bé sẽ tự ý thức được việc mình làm và cố gắng làm cho tốt hơn.
Cha mẹ không biết xin lỗi khi làm sai
Đây là trường hợp thường hay gặp ở các gia đình. Khi bạn làm sai bạn cũng nên nhận lỗi vì bạn chính là tấm gương để bé noi theo. Nếu bố mẹ không xin lỗi khi làm sai bé cũng sẽ làm y như vậy khi bé làm sai vậy vô tình bạn đã hình thành cho bé một tính cách ngang ngược. Tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển của trẻ sau này.
Bạn thường la mắng và đánh bé
Tư tưởng quát mắng, dọa nạt hay đánh trẻ khi trẻ làm gì sai có thể làm cho bé sợ và không làm nữa đã là một sai lầm. Nếu bạn làm điều này thường xuyên vô tình đã hình thành tính bạo lực trong trẻ. Về lâu dần bé sẽ không nghe bạn nữa thậm chí còn cãi lại.
Chúng ta thường thấy những trẻ em sống trong gia đình có xu hướng bạo lực khi lớn lên bé cũng có những biểu hiện của hành vi này. Vậy khi bé làm sai bạn nên khuyên răn bé nhẹ nhàng bằng lời nói sẽ tốt hơn tránh làm trẻ tổn thương.