Ai lần đầu làm mẹ cũng sẽ không khỏi bỡ ngỡ những ngày đầu. Cả mẹ và bé đều đang tiếp túc với một một thế giới hoàn toàn mới. Để giúp mẹ, bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn tường tận cách chăm sóc bé từ A – Z trong những ngày đầu tiên. Mẹ cùng xem nhé!
Chế độ dinh dưỡng cho bé
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất giúp bé phát triển thể chất và trí não, đặc biệt là trong 6 tháng đầu đời. Không nhiều người biết rằng, sữa mẹ có khả năng thay đổi theo nhu cầu sức khỏe của trẻ sơ sinh:
- Trong thai kỳ và khoảng 5 ngày đầu sau khi sinh, sữa mẹ ở giai đoạn sữa non có dạng chất đặc dính, màu vàng hay màu kem nhạt, được tuyến vú tiết ra với số lượng nhỏ. Sữa non giàu đạm (protein), carbonhydrate, vitamin tan trong chất béo, khoáng chất và các globulin miễn dịch chứa ít chất béo (các kháng thể truyền từ mẹ sang con). Nhờ vậy, sữa non sẽ truyền các dưỡng chất và kháng thể dạng đặc sang bé, giúp tăng cường miễn dịch thụ động, bảo vệ bé khỏi một loạt các bệnh do vi khuẩn và virus. Chính vì lý do đó mà sữa non còn được gọi là “sữa miễn dịch”.
- Từ 5 đến 14 ngày sau sinh, sữa được tiết ra khi sữa non hết và trước khi sữa trưởng thành hình thành là sữa chuyển tiếp. Loại sữa này chứa nhiều calo hơn sữa non và có thành phần gồm hàm lượng chất béo, đường lactose, các vitamin tan trong nước và vitamin tan trong chất béo: vitamin A, vitamin D, vitamin E và vitamin K.
- Từ ngày 14 sau sinh, sữa mẹ lúc này được gọi là sữa trưởng thành hay sữa già hoặc sữa đủ tuổi. Thành phần của chúng gồm 90% là nước giúp cơ thể bé ngậm nước, 10% còn lại là glucid, protein, và chất béo cần thiết cho cả tăng trưởng và năng lượng. Lúc này, sữa trưởng thành giàu protein, DHA và ARA – hai loại axit béo omega-3 cần thiết cho sự phát triển của hệ thần kinh và não bộ, đồng thời chứa đường lactose – một loại glucid dạng đường giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển mô não, hệ thần kinh trung ương và các vi khuẩn có ích trong đường ruột.
Khi mới chào đời, dạ dày và hệ tiêu hóa của bé vẫn chưa hoàn thiện nên mẹ cần chia nhỏ các cữ bú của bé trong ngày. Tuy mỗi bé sẽ có một “lịch” bú khác nhau tùy cơ địa và sức ăn uống, mẹ có thể tham khảo bảng chế độ dinh dưỡng để “tiếp năng lượng” cho bé tốt nhất nhé:
Mốc thời gian | Chế độ dinh dưỡng |
Từ 1 đến 2 ngày tuổi | 30ml-90ml sữa mỗi bữa, 8-12 bữa mỗi ngày. |
Từ 3 ngày tuổi đến 6 ngày tuổi | 60ml-90ml sữa mỗi bữa, 8-12 bữa mỗi ngày |
Từ 7 ngày tuổi đến một tháng tuổi | Lượng ăn của bé tăng lên khoảng 90ml-150ml sữa mỗi bữa, 8-12 bữa mỗi ngày |
Từ một tháng tuổi đến 2 tháng tuổi | 90ml-150ml mỗi bữa, 6-8 bữa mỗi ngày |
Từ 3 tháng tuổi đến 6 tháng tuổi | 120ml – 210ml sữa mỗi bữa; 5-6 bữa mỗi ngày |
Mỗi lần bú của bé thường trải qua ba giai đoạn:
- Giai đoạn đầu tiên: Kéo dài vài giây để bé có thể ngậm núm vú mẹ và mút thoải mái.
- Giai đoạn thứ hai: Bé mút sâu, mạnh mẽ đến mức mẹ nghe được tiếng bé mút và nuốt, khoảng dừng ngắn ngủi.
- Giai đoạn thứ ba: Đôi lúc bé ngưng bú, sau đó mút chậm lại, cuối cùng bé ngừng bú và buông vú mẹ.
Trong trường hợp mẹ gặp khó khăn khi nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong giai đoạn này vì những lí do đặc biệt thì nên đến cơ sở y tế để nhận được hướng dẫn từ thầy thuốc và nhân viên y tế.
Tắm cho bé
Ngày đầu tiên chưa được tắm, mẹ nên xem rốn bé có bị chảy nước không. Nếu rốn bé khô, mẹ chỉ cần lau rốn bằng nước sinh lý, dung dịch sát trùng và lau khô trước khi băng rốn.
Qua ngày thứ hai, mẹ nên chú ý y tá tắm cho bé, vệ sinh rốn sạch sẽ, không chảy mủ hoặc không ướt nước là bình thường. Rốn bé sẽ rụng sau 7 ngày đến một tháng. Tắm tránh nước vào rốn bé, tiếp tục sát trùng bằng dung dịch. Kiểm ra rốn và thay băng rốn 2-3 lần/ngày cho bé.
Trong một hai tuần đầu tiên, mẹ chỉ nên lấy một chiếc khăn bông mềm mại, thấm nước ấm rồi lau nhẹ nhàng cho bé. Chú ý lau kĩ vùng mặt, cổ, bàn tay, và phải làm sạch bộ phận sinh dục của bé mỗi lần thay tã mới.
Sau khi dây rốn của bé đã khô, rụng và lành lại, mẹ có thể bắt đầu tắm bé trong chậu.Tắm nhiều quá sẽ khiến da bé bị khô nên bé chỉ cần tắm 2 – 3 lần mỗi tuần trong năm đầu đời thôi mẹ nhen. Các ngày còn lại mẹ có thể lau người bé bằng nước ấm với nhiệt độ nước thích hợp vào khoảng 30 – 40 độ C.
Các bước tắm cho bé:
- Chuẩn bị những thứ cần thiết để tắm cho bé như chậu tắm, sữa tắm, khăn tắm, quần áo và tã mới;
- Kiểm tra nhiệt độ phòng, đóng các cửa sổ, tắt quạt để bé không bị lạnh;
- Cho nước ấm vào khoảng 6cm trong chậu, thử nhiệt độ nước bằng mặt trong của cổ tay
- Bế bé vào phòng tắm. Cởi đồ cho bé. Nếu bé đi tắm hay khóc, mẹ thử để nguyên tã của bé để bé cảm thấy an toàn hơn khi ở dưới nước và tắm rồi từ từ tháo ra.
- Nhẹ nhàng thả chân bé vào chậu tắm trước rồi mới trượt dần cả người bé xuống. Dùng một tay đỡ lấy cổ và đầu bé, tay còn lại múc nước dội lên người bé để bé không cảm thấy lạnh.
- Dùng xà phòng cho em bé hoặc một giọt dầu gội dịu nhẹ, không làm cay mắt để gội đầu cho bé. Nếu bé bị viêm da tiết bã nhờn (đóng vảy cứt trâu), mẹ nên dùng bàn chải lông mềm dành cho em bé chải nhẹ nhàng để làm mòn dần lớp vảy này, không nên cố bóc hay gãi mạnh sẽ làm tổn thương da đầu và dễ gây nhiễm trùng cho bé nhé.
- Sử dụng loại sữa tắm dịu nhẹ dành riêng cho bé. Không nên dùng quá nhiều sữa tắm vì dễ làm khô da bé. Dùng tay hoặc khăn mềm nhúng nước ấm để lau cho bé từ đầu đến chân, từ trước ra sau. Đầu tiên, lấy khăn làm sạch phần đầu và tóc bé. Sau đó, xả sạch bọt xà phòng trên khăn và dùng nó để làm sạch mặt và mắt bé. Nếu mắt bé đóng ghèn hoặc mũi có gỉ mũi khô cứng, dùng khăn thấm cho chúng mềm một chút rồi mới lau sạch. Phần bộ phận sinh dục cần chú ý lau rửa hàng ngày;
- Xả lại cho bé bằng nước và khăn sạch. Cẩn thận nhấc bé ra khỏi chậu tắm, dùng một tay đỡ cổ và đầu, tay còn lại giữ lấy phần chân bé.
- Dùng khăn khô để thấm khô cho bé. Nếu bé bị lột da, mẹ có thể sử dụng các loại sữa dưỡng da dịu nhẹ dành cho trẻ sau mỗi lần tắm.
- Nhanh chóng mặc tã và quần áo cho bé để kết thúc màn tắm táp cho bé cưng.
Những lưu ý để giữ an toàn cho bé khi tắm
- Không bao giờ để bé một mình mà không có ai giám sát dù chỉ nửa phút.
- Tuyệt đối không được để bé lại trong chậu tắm mà nước vòi vẫn đang mở vì nước sẽ nhanh chóng đầy lên hoặc nhiệt độ trở nên nóng hơn sẽ gây nguy hiểm khó lường đối với bé.
- Đặt bình đun nóng lạnh đến nhiệt độ tối đa là 50 độ C để nếu bé có vô tình ngọ nguậy mở vòi nước nóng thì vẫn không bị bỏng.
- Bọc vòi nước bằng khăn bông hoặc dụng cụ chuyên dụng để bé không thể va đầu trực tiếp vào vòi nước.
- Nếu có thể, đặt thảm chống trượt ở đáy chậu để bé không bị trượt xuống trong chậu tắm.
- Xả nước chậu tắm hoàn toàn ngay khi sử dụng xong.
- Đóng cửa phòng tắm và nắp bồn cầu sau khi rời khỏi.
Chăm sóc cuống rốn
Phần cuống rốn (đoạn rốn còn lại sau khi cắt dây rốn) cần được giữ sạch và khô ráo nhất có thể trong khoảng 10-21 ngày để khô và rụng đi. Cuống rốn rụng đi để lại một chiếc rốn với phần da còn hơi non và có thể có một chút máu thấm vào mép tã của bé.
Việc chăm sóc rốn cho bé được thực hiện ngay sau mỗi lần tắm. Vì thế, mẹ cần chuẩn bị thêm tăm bông vô trùng, cồn 70o để chăm sóc rốn cho bé. Nếu bé chưa rụng rốn, tránh tắm chậu và ngâm người bé vào nước khi cuống rốn chưa rụng, tránh làm ướt rốn dễ dẫn đến nhiễm trùng rốn. Đồng thời, không cho bé mặc bộ đồ liền quần đến khi cuống rốn rụng hẳn.
Các bước chăm sóc rốn bé:
– Rửa tay thật kỹ bằng xà phòng và nước.
– Quan sát rốn và vùng da quanh rốn xem có dấu hiệu gì bất thường hay không.
– Rửa tay hoặc sát trùng tay lại bằng dung dịch cồn 70o
– Nếu rốn chưa rụng, sát trùng rốn từ chân rốn ra ngoài. Dùng một tăm bông gòn lau qua một vòng duy nhất, không lau qua lau lại, bỏ que gòn này và dùng thêm các que gòn khác nếu cần vệ sinh chân rốn.
– Sau khi sát trùng vệ sinh xong, dùng 1 que gòn khác để làm khô rốn
– Để rốn thoáng, không băng rốn. Nếu rốn chưa rụng, nên mặc tã dưới rốn.
Vệ sinh các bộ phận khác trên cơ thể
- Lau từ góc trong mắt nhẹ nhàng với một miếng bông tiệt trùng thấm nước sôi để nguội để làm sạch các tế bào chết từ trong mẹ bụng trên mắt bé.
- Mẹ chỉ nên lau chùi bên ngoài tai bé bằng cách sử dụng một miếng vải mềm để kỳ cọ cho bé vì ráy tai không đơn giản chỉ là chất bẩn mà còn là một bước đệm để bảo vệ ống tai của bé nữa, đồng thời cơ chế tự làm sạch tự nhiên sẽ tự động đẩy các chất bẩn ra ngoài.
- Sử dụng một ít dầu dưỡng da baby nếu bé bị lột da ở tay và chân mẹ nhé. Đừng lo lắng vì đây là cách thức da bé tự điều chỉnh cho phù hợp môi trường mới.
- Hãy thay tã cho bé thường xuyên và giúp vùng đóng bỉm được khô thoáng để ngăn ngừa chứng hăm tã. Nếu vùng này xuất hiện các nốt đỏ và khó chịu nghiêm trọng cho bé thì nên nhờ đến sự trợ giúp của bác sỹ để tìm kiếm loại kem chống hăm phù hợp với làn da nhạy cảm của bé mẹ nhen.
- Nhận diện các vết bớt sơ sinh có thể xuất hiện sau khi sinh vài tuần ở trên đầu hoặc cổ bé, nếu các bớt này chảy máu hoặc lan rộng quá nhanh thì hãy nhanh chóng đưa bé đến bác sĩ, mẹ nhé:
- Đỏ màu rượu vang: Vết bớt vĩnh viễn.
- Đỏ tươi: Phai dần, có thể biến mất, có thể chuyển sang màu khác.
- Màu nâu: Không phai, vĩnh viễn.
- Nốt ruồi bẩm sinh: màu đen (màu nâu), vĩnh viễn.
- Màu hồng: phai dần, biến mất sau một thời gian.
- Màu xanh: có thể tồn tại vĩnh viễn hoặc có thể biến mất.
- Cắt móng tay và móng chân để tránh bé làm cào xướt mặt mình và những ai đến gần. Mẹ sẽ cần sự trợ giúp khi cắt món tay cho bé để có người giữ để bé không giẫy hoặc mẹ có thể cắt khi bé ngủ say. Hãy giữ chặt bàn tay bé và hơi tách phần đầu ngón tay ra khỏi móng để không cắt phạm vào da bé mẹ nhen. Nếu quá lo lắng có thể cắt nhầm vào tay bé, bạn có thể dùng dũa móng tay mềm dành cho em bé.
Chăm sóc giấc ngủ
Những tháng đầu đời, ngủ là hoạt động chủ yếu của bé. Các bé thường ngủ cả đêm và ngày trong vài tuần đầu tiên. Để tập cho bé sơ sinh thức vào ban ngày và ngủ vào ban đêm, mẹ có thể thử các cách dưới đây:
- Tránh chỗ ngủ của bé quá sáng hoặc thay tã ban đêm quá lâu. Hãy chắc chắn bé có thể ngủ lại ngay sau khi cho ăn và thay tã vào ban đêm.
- Hãy gọi bé tỉnh dậy và chơi với bé bếu bé ngủ lâu hơn ba hoặc bốn giờ ban ngày.
- Đặt bé nằm trên một tấm nệm phẳng và chắc. Không để các vật mềm, mịn như gối, thú nhồi bông xung quanh khi bé đang ngủ, hạn chế nguy cơ tử vong do ngạt thở.
Trên đây là tất cả những gì mẹ cần biết để cùng bé vượt qua những ngày đầu bỡ ngỡ. Ngoài chăm sóc bé, mẹ hãy luôn nhớ mẹ cũng cần ngủ nghỉ và ăn uống đầy đủ nhé. Giữ vững sức khỏe và tinh thần chính là bước đầu tiên để mẹ chăm sóc thật tốt cho bé yêu, giúp bé có sức bật thật tốt cho sự phát triển vượt trội trong tương lai. Chúc mẹ và bé yêu luôn khỏe mạnh nhé!