1. Đặt niềm tin vào trẻ

Khi trẻ phạm lỗi hay không đạt được những kỳ vọng như bố mẹ mong muốn, chúng ta thường phê bình và đổ lỗi, cho rằng con mình chưa chăm chỉ, chưa cố gắng… Hãy cố gắng nhìn vấn đề một cách khách quan, tích cực và khơi dậy niềm tin ở trẻ trong bất cứ hoàn cảnh nào để trẻ thấy rằng bố mẹ luôn tin tưởng mình. Điều đó sẽ là động lực để trẻ học tập, rèn luyện tốt hơn.

Ví dụ, nếu con bạn nói rằng – con ghét môn toán và là một bạn học sinh chưa tốt, bạn hãy thử nói với con – con là một bạn học sinh tốt, có những nhược điểm chúng ta sẽ từ từ khắc phục; còn môn toán – con hãy dành thêm một chút thời gian để khám phá nó, mẹ sẽ cùng làm điều đó với con… Chắc chắn, những suy nghĩ của con về bản thân mình và môn toán sẽ trở nên tích cực hơn nhiều.

 2. Đừng so sánh con với anh/chị hay bạn cùng trang lứa

Điều này không những không mang lại lợi ích cho con bạn mà còn khiến tâm trạng bé trở nên tồi tệ và tiêu cực hơn. Bố mẹ nên tôn trọng những tính cách, phẩm chất hay sở thích, sở đoản của bé; khơi dậy lòng tự trọng của bé và tránh sự tị nạnh, cạnh tranh giữa bé với anh/chị trong nhà hay bạn bè cùng trang lứa. Lòng tự trọng và sự tự tin của bản thân sẽ giúp bé phát triển khả năng của chính mình.

2

3. Khuyến khích trẻ thổ lộ và thừa nhận cảm xúc của mình

Khi bé buồn chán hay vui vẻ, bố mẹ hãy khuyến khích bé chia sẻ những suy nghĩ của mình và lý do khiến bé vui hay làm bé buồn. Điều này không chỉ giúp bố mẹ hiểu con cái mình hơn mà còn giúp bố mẹ động viên, hỗ trợ và đưa ra giải pháp hợp lý cho con khi cần thiết.

4. Khen ngợi con với người khác

Khi chúng ta kể cho một người bạn thân hay ai đó trong gia đình về những thành tựu con vừa đạt được một cách không khoa trương, trẻ sẽ dễ tiếp nhận những lời khen ngợi đó. Chúng ta làm điều đó bởi cảm thấy tự hào, muốn ghi nhận và tin tưởng vào sự quyết tâm, nỗ lực để đạt được kết quả tốt của con mình.

5. Để ngôi nhà tràn ngập tiếng cười

3

Môi trường sống là nhân tố quan trọng để hình thành nên tính cách của một con người. Bố mẹ hãy gác lại những lo toan, phiền muộn trong công việc và cuộc sống bên ngoài cánh cửa gia đình để tổ ấm thực sự là nơi bình yên cho mỗi thành viên trong gia đình trở về sau một ngày làm việc, học tập. Không gian yên bình của ngôi nhà không chỉ giúp cha mẹ, con cái cảm thấy thoải mái, gắn bó với nhau hơn mà còn làm tăng sự tự tin, lòng tự trọng của trẻ. Cha mẹ cư xử hòa thuận, trên kính dưới nhường là tấm gương để trẻ học hỏi và làm theo.

6. Đừng ngại ngần thể hiện tình yêu con

Bạn đừng ngại ngần thể hiện những cử chỉ, lời nói và hành động thể hiện tình yêu vô bờ của bố mẹ dành cho con cái. Trẻ sẽ nhận ra rằng dù mình có phạm lỗi hay thất bại, bố mẹ vẫn luôn ở bên và cùng mình vượt qua những khó khăn phía trước.

7. Yêu cầu trẻ giúp bố mẹ

Khi bố mẹ giao cho bé một việc gì đó, dù rất nhỏ như lấy giúp mẹ cốc nước… bé sẽ thấy mình có thể giúp mẹ và bản thân được trao thật nhiều trách nhiệm; bố mẹ/người lớn tin tưởng vào mình. Điều này giúp bé tự tin hơn vào bản thân. Vì vậy, bố mẹ đừng ngại ngần khi nhờ bé giúp mình việc gì hay giao cho bé một số việc phù hợp để bé có thể làm.

8. Ghi nhận những thành công của trẻ

Cho dù đó là việc học đi xe đạp hay vượt qua được một kỳ thi khó khăn, bố mẹ cũng đừng tiết kiệm lời khen ngợi trẻ. Khi bé thấy bố mẹ khen ngợi mình, bé cũng sẽ tự tin hơn vào bản thân.

9. Bố mẹ hãy là tấm gương tốt cho con

Bố mẹ mong muốn con mình sẽ trở thành một cô bé/cậu bé khỏe mạnh, thông minh, ngoan ngoãn, biết yêu thương và quan tâm mọi người… Như vậy, bố mẹ cũng phải có những đức tính tốt để bé học hỏi và làm theo. Điều đó vừa giúp bé tự tin hơn, vừa giúp bố mẹ hoàn thiện ngay chính bản thân mình.