Có những cách để bạn kiềm chế bản thân và không nói ra những câu khiến mình phải hối tiếc. Đây cũng là một kỹ năng mà bạn có thể học và sẽ học được nếu muốn.
Dưới đây là những gợi ý để bạn hiểu và tránh nói những điều làm tổn thương con cái và làm hỏng mối quan hệ giữa bạn với trẻ.
Mẹ chán con lắm rồi
Tất cả chúng ta đều chán khi con cái không nghe lời, nghịch đồ ăn… nhưng cụm từ này khiến trẻ cảm thấy bị cô lập và hắt hủi. “Mẹ chán con lắm rồi” là một lời đe dọa giận dữ thường nói với mục đích làm tổn thương người khác. Về lâu dài, tiếp tục nói những điều này sẽ ảnh hưởng xấu tới mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái.
Hãy nghĩ về nó theo cách này: Một đứa trẻ phụ thuộc vào bố mẹ để sống. Bố mẹ mang lại sự bảo vệ an toàn, thức ăn, quần áo, chỗ ở. Vì thế nếu người nuôi dưỡng trẻ lại nói rằng “Bố/mẹ chán con và sẽ không cho con gì nữa” thì rõ là gây sốc, đe dọa và gây tổn thương rất lớn cho trẻ.
Thật nực cười. Sao con phải buồn về điều đó.
Nếu bạn có một đứa con tuổi teen, bạn có thể thấy trẻ trở nên buồn bã về những vấn đề dường như chẳng đáng gì hay rất vụn vặt. Bạn tự hỏi sao cậu con trai có thể chạy vào phòng và đóng rầm cửa lại chỉ vì cô bạn gái chưa trả lời tin nhắn ngay. Trong khi hành vi này có vẻ là ngớ ngẩn dưới góc nhìn của người lớn, hãy cố gắng kiềm chế, đừng phủ nhận cảm xúc của con. Hãy nghĩ về cảnh khi bạn đang khó chịu, lại bị người khác coi thường cảm xúc của mình.
Khi một đứa trẻ tin rằng ý nghĩ hay cảm xúc của mình bị bài bác, nó không chỉ cảm thấy bị cô lập mà còn trở nên giận dữ, thất vọng nữa.
Vì thế, nếu con bạn nói “Mẹ chẳng bao giờ đứng về phía con, mẹ lúc nào cũng bênh anh” khi nổ ra một cuộc tranh cãi, và bạn đáp lại “Không có chuyện đó” thì cũng là một hình thức phủ nhận cảm xúc của trẻ. Thay vì nói vậy, bạn có thể nói “Ồ, mẹ thấy có chút khác biệt. Hãy nói mẹ nghe xem con thấy thế nào?”. Bằng cách này, bạn sẽ tránh dọn đường cho cuộc tranh luận tiếp tục và khiến con hung hăng hơn. Hãy làm điều đó sau này, khi trẻ đã bình tĩnh lại và sẵn sàng trò chuyện.
Con giống hệt bố hay Sao con không thể giống như anh con
Nghe có vẻ như vô hại, nhưng “cú đánh” này có thể nện vào cả trẻ và bố hay mẹ chúng. Chẳng hạn, nếu người cha hay bị chỉ trích trong nhà, sẽ không phải là lời khen con khi so sánh nó với bố. Và mỗi lần ông bố bị chỉ trích, trẻ sẽ nhận được hai cú giáng.
Thật không dễ chịu cho trẻ khi nghe bố mẹ nói những điều tiêu cực về nhau và nếu trẻ bị dán nhãn “giống hệt bố mày”, nó sẽ cảm thấy tức giận và xấu hổ khi bố bị chỉ trích. Còn nếu bố mẹ đã ly dị, và trẻ bị so sánh với người bố không còn sống cùng, thì cảm giác càng tồi tệ.
Điều này cũng tương tự như câu nói “Sao con không giống như anh con”. Đây là một cạm bẫy đối với bố mẹ, đặc biệt là khi bạn có một đứa con hiếu động trong khi đứa kia lại cư xử hòa nhã. Khi bạn sử dụng hình thức so sánh này, nó gây tổn thương và tạo sự ngăn cách giữa các con. Hãy nhớ rằng, mỗi trẻ là duy nhất và mỗi đứa có những phẩm chất tốt riêng.