Vitamin rất cần thiết cho sự phát triển và tăng trưởng bình thường của cơ thể. Khi còn trong bụng mẹ, nhờ hấp thụ các chất dinh dưỡng nên thai nhi bắt đầu phát triển. Sự phát triển của thai nhi cần cung cấp đủ các vitamin và khoáng chất. Các chất dinh dưỡng tạo thuận lợi cho sự phát triển bình thường của cơ thể. Nếu thiếu hụt nghiêm trọng một hoặc nhiều các chất dinh dưỡng, ngay trong bào thai, trẻ có thể mắc các bệnh bẩm sinh. Thiếu vitamin và khoáng chất trong những năm tháng đầu đời gây ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển toàn diện của trẻ.
Ngoài ra vitamin giúp đồng hoá và biến đổi thức ăn, tạo năng lượng cần cho hoạt động sống của các tế bào trong cơ thể, bảo vệ tế bào khỏi bị tấn công nhờ đặc tính chống lại quá trình oxy hoá và tham gia bảo vệ cơ thể chống nhiễm trùng, khử độc và sửa chữa các cấu trúc bị hư tổn.
Có hai loại vitamin: vitamin tan trong nước và vitamin tan trong dầu. Vitamin tan trong nước làm nhiệm vụ xúc tác trong quá trình sinh học gắn liền với sự giải phóng năng lượng, bao gồm các phản ứng oxy hoá – khử, phân giải các hợp chất hữu cơ, …. Các vitamin tan trong chất béo tham gia vào phản ứng tạo nên các chất, các cấu trúc, các cơ quan và các mô của cơ thể, nghĩa là chúng hoàn thành chức năng tạo hình.
Dưới đây là một số công dụng chính của một số vitamin đối với cơ thể
1. Vitamin E
Trong cơ thể, vitamin E tham gia chuyển hóa của các tế bào, giúp tăng hấp thu vitamin A qua ruột; Vitamin E còn giúp ngăn cản oxy hóa các thành phần thiết yếu trong tế bào; ngăn cản tạo các gốc tự do (nguyên nhân gây tổn hại màng tế bào do oxy hóa) mà không tạo ra các gốc tự do khác. Do đó tăng sức đề kháng của cơ thể với các bệnh nhiễm khuẩn.
Thiếu vitamin E rất ít khi xảy ra, chỉ gặp trong các trường hợp bệnh nhân kém hấp thu chất béo ở ruột như bệnh Crohn, sau phẫu thuật, suy dinh dưỡng, trong vài bệnh di truyền đặc biệt. Thiếu vitamin E trong thời gian dài dẫn đến đi đứng không vững; không có phối hợp giữa các cơ bắp, yếu cơ bắp, giảm phản xạ; có thể đưa tới mù lòa, sa sút trí tuệ, loạn nhịp tim.
2. Vitamin A
Vitamin A có nhiều chức năng quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của các bộ phận trên cơ thể, như mắt (là một phần không thể thiếu đối với việc đảm bảo thị giác), da (kích thích quá trình phát triển của các biểu mô như mô sừng, ruột và các cơ đường hô hấp, kích thích sự liền sẹo và phòng ngừa các chứng bệnh của da), sự sinh trưởng (là yếu tố không thể thiếu đối với sự phát triển của phôi thai và trẻ em), hệ thống miễn dịch (tham gia tích cực vào sức chống chịu bệnh tật của con người), chống lão hoá (kéo dài quá trình lão hoá do làm ngăn chặn sự phát triển của các gốc tự do).
Triệu chứng đầu tiên khi thiếu vitamin A chính là giảm sút thị lực vào buổi tối, hay còn gọi là bị quáng gà. Nếu không bổ sung vitamin A ngay thì khô da, rụng tóc, gãy móng tay sẽ lần lượt xuất hiện. Tình trạng thiếu hụt vitamin A tiếp tục kéo dài sẽ dẫn đến mất hẳn thị giác, bội nhiễm trầm trọng đường hô hấp do niêm mạc khí quản bị khô tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn gây bệnh sinh sôi và phát tác.
3. Vitamin B1
Có vai trò vô cùng quan trọng trong việc duy trì các hoạt động tương tác của tế bào trong cơ thể, nhất là việc sản xuất năng lượng. Trong đó các tế bào của cơ thể đã dùng ôxy để chuyển hóa carbohydrate và các loại đường thành năng lượng. Hiện tượng thiếu hụt vitamin B1 gây hội chứng beriberi kèm theo các dấu hiệu như giảm tính ngon miệng, mệt mỏi, ngại vận động, khó tiêu hóa, táo bón, lo sợ, đặc biệt các cơ bắp xuất hiện hiện tượng như có kim châm, đầu ngón chân ngón tay bị tê cứng.
4. Vitamin B2
Vitamin B2 là thành phần quan trọng của các men oxydase; trực tiếp tham gia vào các phản ứng ôxy hóa hoàn nguyên; khống chế các phản ứng hô hấp chuyển hoá của tế bào; chuyển hoá các chất: đường, đạm, béo ra năng lượng để cung cấp cho các tế bào hoạt động; tác động đến việc hấp thu, tồn trữ và sử dụng sắt trong cơ thể (rất quan trọng trong việc phòng chống thiếu máu do thiếu sắt). Thiếu vitamin B2 gây tổn thương ở da, niêm mạc, cơ quan thị giác…
5. Vitamin B3
Là thành phần của hai coenzym quan trọng là NAD (Nicotiamid – Adenin – Dinucleotid) và NADP (Nicotiamid – Adenin – Dinucleotid – Phosphat). Các coenzym này tham gia vận chuyển hydro và điện tử trong các phản ứng ôxy hóa khử. Do đó nó có vai trò hết sức quan trọng tác động đến quá trình tổng hợp hay phân hủy các chất như glucid, acid béo, acid amin, chuyển hóa cholesterol và các hợp chất khác, tạo năng lượng cung cấp ATP cho quá trình hô hấp tế bào. Cơ thể thiếu vitamin PP sẽ gây ra các biểu hiện như chán ăn, suy nhược cơ thể, dễ bị kích thích, viêm lưỡi, viêm miệng, viêm da, đặc biệt là vùng da hở như chân, tay. Nếu thiếu vitamin PP ở mức độ nặng, gây viêm da, tiêu chảy và rối loạn tâm thần (đây là 3 triệu chứng điển hình của bệnh Pellagra ).
6.Vitamin B6
Vitamin B6 giúp chuyển hóa tryptophan thành niacin, chuyển hóa chất đạm, chất béo, carbohydrate, tổng hợp hemoglobin và sự bài tiết của tuyến thượng thận. Khi bị thiếu hụt vitamin B6 (pyridoxin) có thể dẫn đến thiếu máu nguyên bào sắt, viêm dây thần kinh ngoại vi, viêm da tăng bã nhờn và khô nứt môi… Vì vậy, trong trường hợp như do dinh dưỡng không cung cấp đủ, nhu cầu cơ thể tăng (phụ nữ mang thai, cho con bú…), do bệnh tật như nghiện rượu, bỏng, suy tim sung huyết, sốt kéo dài, cắt bỏ dạ dày, lọc máu, cường tuyến giáp, nhiễm khuẩn, bệnh đường ruột như tiêu chảy, viêm ruột, kém hấp thu liên quan đến bệnh về gan – mật… cần thiết phải bổ sung vitamin B6.
Như vậy,Vitamin là chất có tỷ lệ thấp nhưng đóng vai trò rất quan trọng cho hoạt động sống còn của cơ thể. Tuy nhiên, ô nhiễm môi trường, thói quen dùng đồ ăn nhanh ( fastfood) và các phương pháp chế biến thực phẩm hiện nay đã dẫn tới tình trạng giảm hàm lượng vitamin và khoáng chất cũng như giá trị dinh dưỡng của thực phẩm. Hậu quả của tình trạng thiếu hụt Vitamin và khoáng chất: mệt mỏi, biếng ăn, kém ngủ, trí tuệ giảm sút, chậm lớn, cơ thể hay bị bệnh do giảm sức đề kháng với bệnh tật, …Do đó, việc bổ sung vitamin và khoáng chất vào chế độ ăn hàng ngày là vô cùng cần thiết.