Tết nguyên đán là dịp để các gia đình đoàn tụ bên nhau và trẻ cũng được bố mẹ cho về thăm ông bà, họ hàng và đi chơi nhiều nơi… và điều không thể tránh khỏi đó chính là nếp sinh hoạt thường ngày của trẻ sẽ bị thay đổi đột ngột trong mấy ngày Tết, chính vì lẽ đó nên trẻ rất dễ gặp các vấn đề về sức khỏe. Chúng ta hãy cùng xem, trẻ sẽ có nguy cơ mắc những bệnh nào vào ngày này khi mà thói quen bị thay đổi nhé!
Dị ứng thức ăn
Ngày Tết, trẻ thường được ăn rất nhiều món, nhiều gia vị, nhiều nguồn thức ăn khác nhau. Những trẻ có cơ địa dị ứng thức ăn có thể xuất hiện các triệu chứng như nổi mề đay, đau bụng, khò khè, khó thở, lên cơn hen cấp khi ăn phải thức ăn gây dị ứng. Trường hợp nặng có thể gây sốc phản vệ, nguy hiểm đến tính mạng.
Khi trẻ bị dị ứng thực phẩm, cần ngay lập tức dừng cho trẻ ăn thức ăn gây dị ứng. Nếu triệu chứng nhẹ, sau vài ngày có thể tự hết. Nếu trẻ ngứa, khó chịu có thể sử dụng các thuốc kháng histamine uống. Tuy nhiên, khi gặp triệu chứng nặng như khó thở, cần đưa đến bệnh viện gần nhất để cấp cứu kịp thời.
Ngộ độc thức ăn
Đây là bệnh rất thường gặp trong các dịp lễ hội, đặc biệt là Tết Nguyên đán. Nguyên nhân chủ yếu là do sử dụng thức ăn không đảm bảo vệ sinh, thức ăn chế biến sẵn, thức ăn cũ lưu trữ không đúng cách hay thực phẩm tươi sống bị nhiễm khuẩn… Thông thường, sau khi ăn thức ăn bị nhiễm độc tố, nhiễm khuẩn khoảng 1-6 giờ, trẻ bị đau bụng từng cơn, nôn nhiều lần, có thể có tiêu chảy, trẻ nhanh chóng đi vào tình trạng mệt lả.
Gặp tình trạng này, hãy cho trẻ nằm nghỉ, uống trà gừng nóng, ăn nhẹ, dùng dung dịch bù nước điện giải bị mất. Nếu có dấu hiệu mất nước nặng, nôn nhiều, cần đến bệnh viện để được xử trí kịp thời.
Cảm cúm
Bệnh này rất hay gặp vào mùa lạnh và lây truyền nhanh trong dịp Tết vì mật độ người đông, nhất là ở những nơi vui chơi công cộng. Tác nhân gây bệnh là các siêu vi trùng cúm với rất nhiều chủng loại khác nhau. Nếu cảm thường, trẻ sẽ sốt nhẹ, sổ mũi nước trong, hắt hơi, ngạt mũi nhưng trẻ vẫn ăn, chơi bình thường. Nếu bị cúm, trẻ sẽ sốt cao, ho, sổ mũi, hắt hơi và thường đau nhức cơ, mệt mỏi, ăn uống kém.
Nếu trẻ bị cảm cúm, hãy cho trẻ nghỉ ngơi và ngủ nhiều hơn; cho trẻ ăn với chế độ ăn tăng sức đề kháng; dùng thực phẩm dễ tiêu, dùng thức ăn có nhiều chất khoáng và vitamin như các loại súp, trái cây; tránh các thực phẩm có nhiều dầu mỡ. Cho trẻ uống thuốc hạ nhiệt nếu sốt cao. Cần theo dõi các triệu chứng của bệnh cúm nặng vì nó có thể biến chứng gây viêm phổi, bên cạnh đóm hãy đưa trẻ tới bệnh viện điều trị kịp thời.
Tiêu chảy
Đây là tình trạng chung mà rất nhiều em nhỏ gặp phải do ngày Tết các bé cứ suốt ngày bánh kẹo, nước ngọt, hoa quả… rồi đồ ăn nguội, không ăn cơm cháo đúng bữa hoặc dùng sữa pha sẵn dùng cả ngày… Đặc biệt, những loại bánh mứt, nước ngọt có độ ngọt cao sẽ là môi trường thuận lợi cho những loại vi khuẩn E.coli, Shigella… phát triển và gây bệnh. Khi bị tiêu chảy, trẻ sẽ đi phân lỏng nhiều lần trong ngày, có thể kèm nôn, sốt. Biến chứng nguy hiểm là mất nước, khiến trẻ mệt lả, chân tay lạnh, mắt trũng, thóp lõm, tiểu ít, da khô và nhăn nheo.
Trong trường hợp này, hãy bù nước bằng cách cho trẻ uống các loại dung dịch điện giải có sẵn trên thị trường như: ORS, Hydrite. Cho trẻ uống từng thìa. Sau mỗi lần trẻ đi ngoài thì cho uống 50-100ml tùy theo độ tuổi và tiếp tục cho uống hạ nhiệt nếu trẻ sốt cao. Người lớn nên đưa trẻ đi khám nếu trẻ vẫn tiếp tục bị tiêu chảy sau hai ngày điều trị như trên hoặc nếu trẻ sốt cao, có các dấu hiệu mất nước, phân có nhày máu hoặc ăn kém.