Tết đến, các bậc làm cha mẹ luôn phải tất bật với công việc ở cơ quan, dọn dẹp nhà cửa đón năm mới rồi đi chúc Tết ông bà, họ hàng, đi du xuân mà lơ là đến việc chăm sóc sức khỏe của bé yêu. Để bé luôn tươi tắn, vui vẻ đón xuân cùng gia đình cha mẹ nên đảm bảo cho bé ăn đủ và đúng giờ trong dịp Tết. Hãy cùng meyeucon.org chuẩn bị tốt những điều dưới đây cho bé yêu của mình nhé.
1. Chế độ dinh dưỡng cho trẻ
– Thông thường, mọi nhà thường có xu hướng trữ sẵn đồ ăn trong dịp Tết. Đa số những thực phẩm này thường được chế biến sẵn, giàu đạm, béo, đường. Thậm chí, một số nhà vì phải đi chúc Tết họ hàng nên việc ăn uống đúng giờ, đúng bữa của con bị xem nhẹ. Bé thường xuyên được cho uống nước ngọt, ăn bánh kẹo vì ai cũng nghĩ “mỗi năm chỉ có một lần”.
– Thực tế, việc ăn uống vô tội vạ trong ngày Tết là nguyên nhân chủ yếu khiến bé bị rối loạn tiêu hóa, đầy bụng, khó tiêu, thậm chí nhiều bé “gầy rộc” đi sau ngày Tết. Do đó, nếu muốn con có một ngày Tết vui vẻ, mẹ nên cố gắng giữ vững thói quen sinh hoạt, ăn uống hằng ngày của bé. Đặc biệt, hạn chế những thực phẩm nhiều bột, đường, các loại bánh kẹo, nước ngọt có ga… Mẹ cũng nên chú ý tăng cường rau xanh trong những bữa ăn của con. Cha mẹ nên chuẩn bị:
– Thức ăn cho bé: Thịt, cá, tôm, cua tươi… và làm sạch. Gói mỗi loại thành từng phần nhỏ khoảng 100-150 g (vừa đủ ăn một ngày) vào từng bao nylon riêng biệt, và để trong ngăn đá.
– Rau xanh: nên mua đa dạng, nhặt rửa sạch và cũng chia thành từng phần nhỏ vừa cho một lần ăn và trữ trong ngăn mát.
– Chuẩn bị dầu ăn riêng và các loại thức ăn dùng cho bữa phụ như sữa chua, bánh flan, rau câu, sữa, trái cây… Nếu không có tủ lạnh, có thể dùng thùng đá để bảo quản. Chú ý cá tươi chỉ có thể để được trong 2 ngày. Nên chọn rau củ trữ được lâu như bí đỏ, su su, cà chua, bí đao
2. Chăm chỉ tập thể dục
– Ăn chơi nhưng không quên nhiệm vụ. Mẹ nên nhắc bé dành ít nhất 30 phút mỗi ngày cho những bài tập thể dục để bảo vệ sức khỏe của bé. Tuy nhiên, thay vì bắt con tập thể dục, mẹ có thể du di một chút. Chạy nhảy, nô đùa, chạy xe đạp… cũng có tác dụng như những bài tập, mẹ nhé!
3. Ngăn ngừa thương tích
Mẹ biết không vào dịp Tết là cơ hội mà các bé gặp nhau đông đủ chính vì thế sẽ nô đùa chạy nhảy rất nhiều. Và lỡ như quá trớn hoặc vô tình gấp té dễ xảy ra thương tích cho bé yêu. Vì vậy trước khi cho bé chơi mẹ cần chú ý quan sát thật kĩ những khu vực bé chơi và kịp thời loại bỏ những nguy cơ tiềm ẩn. Nhắc nhở bé chơi nhẹ nhàng, không cãi nhau, không chạy quá nhanh, vội vã…
Và một điều mà mẹ cần lưu ý nữa đó chính là sau khi chơi xong, bước vào giờ ăn bé phải đảm bảo rửa tay chân sạch sẽ để phòng ngừa vi khuẩn…
4. Du lịch ngày Tết
– Ngày Tết chính là dịp mà các gia đình sẽ lên kế hoạch để đi du lịch sau một năm dài làm việc học tập căng thẳng và mệt mỏi. Thế nhưng nếu đã lên kế hoạch cho chuyến đi mẹ nên xem xét kĩ địa điểm du lịch để từ đó biết được thời tiết, khí hậu nơi đó như thế nào để mang quần áo cho phù hợp. Đừng quên mang theo những loại thuốc bình thường như thuốc cảm, thuốc đau bụng… để phòng trừ trường hợp xấu có thể xảy ra.
– Khi đến những nơi xa lạ có thể bé sẽ quấy khóc hoặc tâm trạng cáu gắt… vì thé mẹ nên giúp bé ổn định tinh thần và tập làm quen với môi trường xung quanh. Mẹ cũng có thể mang theo những vật dụng thân thuộc của bé như gối ôm, thú cưng… để bé cảm thấy thân thuộc và dễ ngủ hơn.
5. Thuốc: có hai loại cần không thể thiếu trong những ngày nghỉ Tết là:
– Thuốc hạ sốt: Cetamol 100 mg hoặc Acetamol 325 mg. Chỉ dùng thuốc khi bé sốt trên 38 độ. Khoảng cách giữa 2 lần uống là 4-6 giờ. Liều lượng: 10 đến 15 mg cho một kg cân nặng (ví dụ: bé nặng 10 kg thì có thể uống từ 100 mg tới 150 mg).
– Viên bù nước Hydrite (1viên pha với 200 ml nước chín) hoặc gói ORS (1 gói pha với 1.000 ml). Chúng sẽ giúp bé tươi tắn, linh hoạt hơn khi bị ói hoặc tiêu chảy