Nắng nóng khiến cách sinh hoạt và ăn uống thay đổi, làm giảm sức đề kháng của cơ thể, nên trẻ em rất dễ bị cảm sốt. BS Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm, BV Nhi Đồng 1 TP.HCM cảnh báo: một số bệnh thông thường có thể để lại di chứng nặng nề như chậm phát triển tâm thần vận động, yếu liệt chi, động kinh, thậm chí tử vong.
1001 bệnh do nóng
Ngày 17/5, Khoa Nhiễm, BV Nhi Đồng 1 đang điều trị cho 150 bệnh nhân, trong đó 18 ca viêm não và hơn 30 trường hợp viêm màng não. Trong số đó, một số ca viêm não là do biến chứng từ các bệnh sốt phát ban. Phòng cấp cứu Khoa Nhiễm vừa tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Văn T. (14 tuổi, An Giang) với chẩn đoán viêm não. Trước đó vài ngày, bệnh nhân này sốt cao, than nặng đầu, ói và sốt phát ban. Sau đó, bênh nhân T. có biểu hiện co gồng tứ chi, lơ mơ… Trước đó, một bệnh nhân tên Trần Văn T. (10 tuổi, Campuchia) cũng bị biến chứng viêm não sau khi sốt cao và nổi ban sởi.
Phòng cấp cứu Khoa Nhiễm BV Nhi Đồng 1 luôn quá tải
trong những ngày nắng nóng
BS Trương Hữu Khanh khuyến cáo: “Sốt phát ban là bệnh thường gặp. Hầu hết trẻ em đều ít nhất một lần mắc bệnh. Bệnh biểu hiện bằng sốt và nổi nhiều chấm đỏ rải rác toàn thân (phát ban), có hoặc không có nổi hạch sau tai. Hai bệnh sốt phát ban đang hiện hành là sởi và rubella (ban đỏ). Ban đỏ hay sởi thường có biến chứng viêm phổi, viêm tai giữa, kiết lỵ và nặng hơn là viêm não. Trong mùa nắng nóng, viêm não cấp là một bệnh có thể gây tử vong và diễn tiến nhanh vì vi trùng tấn công. Siêu vi trùng xâm nhập vào máu qua đường ruột, do trẻ ăn uống thức ăn hay ngậm đồ chơi nhiễm siêu vi trùng gây bệnh. Biểu hiện ban đầu của viêm não là tiêu chảy, nôn ói, ho. Một số trường hợp trẻ nổi bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, gối, khuỷu tay, mông, sau đó biến chứng thành viêm não”.
Ngoài ra, các thói quen để giải nhiệt cơ thể như: sử dụng quạt, máy lạnh liên tục; tiếp xúc nhiều hoặc ngâm lâu trong nước vào giữa trưa hoặc trước khi đi ngủ sẽ làm trẻ dễ mắc các bệnh như cảm sốt, gây ho, sổ mũi, và có thể biến chứng viêm phế quản, viêm phổi. Bên cạnh đó, thực phẩm sẽ mau ôi thiu, hư hỏng hơn nên dễ gây tiêu chảy, ngộ độc thức ăn. Từ tiêu chảy, trẻ có thể bị mất nước hay mất chất điện giải làm bệnh nặng, thậm chí tử vong.
BS Vũ Quang Vinh, Phòng Kế hoạch Tổng hợp, BV Nhi Đồng 2 TP.HCM cho biết, hiện có 210 bệnh nhi đang được điều trị nội trú tại Khoa Hô hấp và 170 trẻ bị tiêu chảy nằm ở Khoa Tiêu hóa BV này. Trẻ mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên vẫn tiếp tục tăng là: viêm phế quản, viêm họng, viêm amidan. Riêng trong ngày 17/5, số bệnh nhi đến khám tại BV Nhi Đồng 2 dao động từ 4.000 – 5.000, trong đó, trên 80% ca hô hấp và tiêu chảy.
Cho bé ăn nhiều bữa nhỏ
Bệnh sốt phát ban có thể điều trị tại nhà bằng thuốc hạ sốt (paracetamol) khi trẻ nóng trên 390C, thuốc giảm ho, cho trẻ uống nhiều nước, ăn thức ăn lỏng dễ tiêu. Theo BS Khanh, trẻ bị sốt phát ban thường chán ăn nên rất dễ suy dinh dưỡng và bị biến chứng. Khi trẻ bệnh, cần cho trẻ ăn nhiều hơn bình thường, ăn thành nhiều bữa, với các thức ăn dễ tiêu. Với bệnh tiêu chảy, cách phòng ngừa tốt nhất là chỉ nên cho trẻ ăn những thức ăn gia đình hay nhà trường nấu, không nên ăn uống hàng rong.
Hầu hết các bệnh sốt phát ban hay tiêu chảy đều có thể điều trị ngoại trú, tuy nhiên các bậc phụ huynh không nên chủ quan mà phải theo dõi sát, phát hiện các dấu hiệu của bệnh: trẻ sốt cao không hạ (39 – 40oC), quấy khóc nhiều, lừ đừ, ít chơi, ngủ nhiều, hay giật mình, da nổi bông, yếu tay chân, trong phân trẻ có máu hay có màu hồng vì đây là triệu chứng nhiễm trùng đường tiêu hóa. Cần đưa trẻ đến bệnh viện khi sốt cao không hạ, ói nhiều, không thể ăn uống, mắt trũng sâu, co giật, thở mệt, tiêu phân có máu, chảy mủ tai…
Các BS còn khuyến cáo, khi trẻ sốt phát ban không nên kiêng nước, kiêng gió bằng cách trùm kín trẻ hay kiêng vệ sinh cơ thể. Trùm kín sẽ làm trẻ co giật do sốt cao, nếu không vệ sinh cơ thể sẽ làm trẻ khó chịu, dễ nhiễm trùng da và biến chứng viêm phổi. Điều nên làm là không để trẻ bị quá lạnh. Để phòng ngừa bệnh, các bậc phụ huynh nên giữ vệ sinh trong ăn uống và đặc biệt là đồ chơi của trẻ phải được đảm bảo sạch sẽ.
BS Phạm Lê Thanh Bình – Trưởng khoa Khám bệnh trẻ em lành mạnh, BV Nhi Đồng 2, cho biết ngày nào cũng có phụ huynh đưa con đến để yêu cầu chích vaccine ngừa tiêu chảy, cúm nhưng BV đã thông báo không chích ngừa. Vaccine ngừa tiêu chảy rotavirus đã không được sử dụng từ hai tháng nay do liên quan đến vụ nhiễm một loại virus cư trú. Hiện nay, BV chưa có vaccine ngừa tiêu chảy thay thế. Riêng với vaccine ngừa cúm, BV đang chờ lô hàng mới vì mỗi năm, nhà sản xuất sẽ cho ra những loại vaccine ngừa cúm phù hợp với chủng virus gây bệnh trong năm. |