Các bạn biết không? Cà phê có tác dụng rất tốt đối với sức khỏe con người: hạn chế các bệnh về tim mạch, huyết áp, giúp đốt cháy mỡ thừa, giảm bệnh hen suyễn, tốt cho gan, giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư… Tuy nhiên, cà phê cũng giống như một vị thuốc, nếu bạn uống quá “liều” thì rất dễ phát sinh những vấn đề xấu. Vậy nên chúng ta phải uống cà phê đúng cách và thưởng thức cà phê sao cho hiệu quả nhất nhé.
Chúng ta cùng tìm hiểu một số điều nên và không nên khi sử dụng cà phê nhé.
- Nên
Nên uống cà phê vào ban ngày, đặc biệt uống vào buổi sáng là tốt nhất. Bởi vì Cafein có tác dụng lợi tiểu, nếu uống ban đêm thì ngoài khó ngủ do bị kích thích bạn sẽ phải thức giấc đi tiểu đêm
Mỗi ngày uống một tách (khoảng 200ml) là tốt, hoặc 2 – 3 tách chia đều sáng chiều.
Những người bị rối loạn tim mạch nên cẩn thận vì Cafein có tác dụng trên hệ thần kinh trung ương và cả hoạt động của hệ thống tim mạch. Ở một số người, uống cà phê sẽ làm tim đập nhanh hơn, nhức đầu, run tay, cảm thấy bất an. Do vậy, nếu thấy bị ảnh hưởng xấu thì không nên uống nữa.
- Không nên
Cafein có tác dụng kích thích làm tăng tiết axit dịch vị. Vì vậy không uống cà phê vào lúc bụng trống để bảo vệ niêm mạc dạ dày, nhất là những người đã sẵn yếu dạ dày. Uống cà phê vào buổi sáng mà bụng trống, không ăn điểm tâm cũng có hại cho sức khoẻ.
Không uống cà phê chung với thuốc (uống thuốc tốt nhất là dùng nước lã đun sôi để nguội) vì Cafein có thể gây tương tác với một số dược phẩm như làm mất tác dụng của thuốc an thần gây ngủ. Một số kháng sinh fluoroquinolon (như ofloxacin) uống chung với cà phê sẽ làm tăng tác dụng kích thích của caffeine (gây tim đập nhanh, khó chịu, mệt mà có người lầm tưởng ngộ độc).
Nếu uống cà phê sau đó bị say, đỏ người thì có thể đã bị dị ứng với cafein hoặc một chất có trong cà phê. Tốt nhất nên đổi loại cà phê khác, còn uống loại nào cũng bị như vậy thì không nên uống cà phê nữa.
Sinh viên, học sinh không nên lạm dụng cà phê (kể cả trà đậm) cho việc thức đêm học thi. Do không tổ chức học tập, nghỉ ngơi hợp lý nên có một số bạn trẻ gần tới ngày thi mới học dồn, học nén và nhờ đến cà phê thật đậm để tỉnh táo “gạo” bài. Nên lưu ý, mệt mỏi và buồn ngủ là dấu hiệu cho biết cơ thể cần nghỉ ngơi. Dùng cà phê để cặp mắt mở trao tráo chỉ là sự đánh lừa, thực chất cơ thể vẫn mệt mỏi. Uống cà phê để thức đêm dài ngày rất có hại cho sức khoẻ, đặc biệt hại cho trí não.
- Lưu ý khi sử dụng cà phê:
Tuỳ theo mỗi cá nhân mà cách uống cà phê khác nhau. Có người thích uống cà phê đen không đường để tận hưởng vị đắng, mùi vị đặc biệt của nó. Có người thích uống cà phê với sữa. Cách nào cũng tốt, miễn sao phù hợp với điều kiện của mình, như người bị bệnh tiểu đường mà chỉ uống cà phê không thôi thì rất tốt, nhưng người đang cần năng lượng thì nên uống cà phê với đường hoặc sữa.