Táo bón là bệnh thường gặp ở trẻ em. Táo bón dễ dàng chữa trị và không gây nguy hiểm nếu như mẹ có những biện pháp phù hợp. Tuy nhiên nếu mẹ chủ quan, lơ là không khắc phục kịp thời khi trẻ bị táo bón thì sẽ dẫn đến những hậu quả rất nặng nề.
Táo bón là gì?
Táo bón là hiện tượng ruột co bóp kém hoặc không đủ mạnh để bài tiết phân ra ngoài. Khi bị táo bón, phân thường cứng và khô. Ở trẻ em hiện tượng này diễn ra khá phổ biến gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.
Dấu hiệu của trẻ bị táo bón
– Khoảng cách giữa hai lần bài xuất phân dài hơn bình thường theo lứa tuổi lớn hơn 3 ngày;
– Phân rắn, nhỏ như phân dê hoặc quá to; trẻ đi ngoài khó khăn, không tự đi ngoài được, đau, són phân, kêu khóc và rất sợ đi ngoài;
– Kèm theo hoặc không kèm theo các triệu chứng toàn thân như đau bụng (có thể thấy bé quấy khóc, ưỡn bụng lên), lên cân chậm, chán ăn, ăn uống kém, nôn ọe;
– Bụng trướng, sờ có nhiều cục phân ở khung đại tràng (thường là bác sĩ mới phát hiện ra);
– Khám hậu môn thì tùy theo nguyên nhân táo bón thực thể hay cơ năng mà có các triệu chứng như không có phân hoặc đầy phân trong bóng trực tràng, nứt kẽ hậu môn.
Những nguyên nhân gây táo bón ở trẻ
Ít uống nước
Cho trẻ uống đủ nước để phòng tránh táo bón ở trẻ
Trẻ thường ham vui và rất ít khi nhớ đến việc uống nước khiến cơ thể không được cung cấp đủ lượng nước cần thiết. Kèm với đó là tình trạng nhịn tiêu do sợ hoặc ngại khiến phân đã quá to, quá rắn, trẻ cố rặn ra lại đau, chảy máu… nên sợ đi cầu và nín lại, cứ như vậy lại càng táo bón nặng nề hơn.
Do vậy, bố mẹ cần thường xuyên nhắc nhở trẻ uống đủ nước cũng như tạo thói quen đi vệ sinh đúng giờ. Tập cho trẻ có thói quen ngồi bô mỗi sáng là tốt nhất. Nhưng nếu buổi sáng quá bận rộn không có thời gian thì vẫn có thể đi cầu vào buổi tối, sau bữa ăn tối khoảng 30-60 phút, thời điểm này nhu động ruột tăng và trẻ dễ đi cầu
Ăn ít rau
Các kết quả nghiên cứu về những thức ăn trẻ không thích cho thấy rau đứng hàng đầu. Vì thế, tập cho trẻ ăn rau, hoa quả nguyên miếng từ nhỏ rất quan trọng.
Những em bé được nuôi bằng thức ăn xay nhuyễn, ít tập ăn rau hay chỉ uống nước trái cây lúc nhỏ thì thường lười ăn rau và thường xuyên bị táo bón.
Chế độ ăn giàu đạm, nghèo chất xơ
Mẹ muốn con bụ bẫm và đương nhiên là sẽ tẩm bổ cho con với những món ăn giàu đạm như thịt đỏ, tôm, cá, cua,… trong khẩu phần . Và hệ quả là quá nhiều món ăn giàu đạm sẽ khiến trẻ khó tiêu.
Nguyên tắc thức ăn sau khi tiêu hóa và hấp thu mới được thải ra ngoài. Khi trẻ bị khó tiêu khiến quá trình đào thải bị chậm đi, gây mất nước khiến phân khô, cứng gây khó khăn cho trẻ khi đi ngoài.
Chưa kể đến lượng nito chuyển hóa từ chất đạm dư thừa sẽ đào thải qua đường tiểu sẽ khiến kéo theo nhiều nước làm cơ thể mất nước thêm và gây táo bón trầm trọng hơn.
Lười vận động
Trẻ táo bón đa phần đều lười vận động. Khi cuộc sống bận rộn, bố mẹ không có nhiều thời gian đưa trẻ đi chơi, vận động cùng bé nên bé ít khi rèn luyện, mà lại thường xuyên quanh quẩn ở nhà để chơi với các phương tiện giải trí dạng tĩnh như tivi, điện thoại thông minh, game,… Điều này khiến nhu động ruột cũng ì ra hơn theo lối sống thụ động và hệ quả dẫn đến là tất yếu.
Những biến chứng nguy hiểm của bệnh táo bón
Tình trạng táo bón của trẻ sẽ được giải quyết nhanh chóng nếu như mẹ có biện pháp xử lý kịp thời. Tuy nhiên nếu mẹ không khắc phục vấn đề này thì táo bón sẽ gây nên những biến chứng nguy hiểm cho trẻ đấy. Một số biến chứng có thể xảy ra như:
– Gặp các vấn đề về hệ tiêu hóa: mẹ có biết táo bón đôi khi là khởi nguồn của một số bệnh về tiêu hóa như: bệnh đại tràng, rối loạn chức năng vận chuyển ruột, …
– Nứt hậu môn, tình trạng táo bó nặng hơn: trẻ bị táo bón thường sợ đi tiêu và thường cố nhịn đến khi nào có thể nhịn được. Phân bị ứ trong ruột lâu sẽ càng mất nước nên khô hơn, và trẻ lại càng bị táo bón nặng hơn.
– Rối loạn thần kinh: phân ở lâu trong đại tràng là nguồn kích thích gây nên những rối loạn thần kinh khiến trẻ trở nên cáu kỉnh, mệt mỏi, biếng ăn, mất tập trung…
– Trẻ dễ bị trĩ, sa trực tràng: phân ứ đọng lâu trong trực tràng ảnh hưởng và cản trở tuần hoàn máu, lâu ngày gây hiện tượng trĩ, sa trực tràng, phình đại tràng, thậm chí là ung thư trực tràng.
Biện pháp phòng ngừa táo bón cho trẻ
Để hạn chế trẻ gặp phải tình trạng táo bón, mẹ cần lưu ý một số bước đơn giản sau
– Cho trẻ uống nhiều nước: Tùy từng độ tuổi mà mẹ cho bé bổ sung nước hợp lý. Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi bé hoàn toàn không cần uống nước nhưng nếu bé bị táo bón thì vẫn cho uống 100 – 200ml nước/ngày. Đối với trẻ bắt đầu ăn dặm từ 6 – 12 tháng uống 200 – 300ml nước/ngày. Trẻ 1 – 3 tuổi uống 500 – 600ml nước/ngày. Trẻ 3 – 5 tuổi uống 1000ml nước/ngày. Trẻ lớn hơn 10 tuổi uống bằng người lớn: 1500 – 2000ml nước/ngày.
– Cho trẻ ăn rau xanh trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày, nhưng mẹ lưu ý là cho bé ăn với một lượng vừa phải. Mẹ nên chọn các loại rau quả có tính chất nhuận tràng: rau khoai lang, mồng tơi, củ khoai lang, đu đủ, chuối tiêu, cam, bưởi. Nên tập cho trẻ thói quen ăn nhiều rau, quả chín từ nhỏ. Với trẻ lớn không nên cho bé ăn các loại hoa quả có vị chát như ổi, hồng xiêm, ăn nhiều bánh kẹo ngọt, uống nước có gas, cà phê…
– Đối với trẻ đang bú mẹ bị táo mẹ cần uống nhiều nước khoảng 2,5 đến 3lít nước một ngày. Ngoài ra mẹ nên ăn nhiều rau xanh và quả chín có tính chất nhận tràng như trên, có thể ăn thêm sữa chua hàng ngày. Nếu trẻ có bú sữa ngoài cần chọn cho trẻ loại sữa có bổ sung thêm chất xơ.
– Một vài thao tác matxa của mẹ cũng giúp bé giảm bớt tình trạng khó chịu do táo bón gây ra. Mẹ có thể xoa bụng cho trẻ theo khung đại tràng từ phải sang trái ngày 3-4 lần vào khoảng cách giữa 2 bữa để kích thích làm tăng nhu động ruột. Với trẻ lớn thì tăng cường vận động cơ thành bụng và cơ tròn hậu môn bằng cách cho trẻ chạy nhảy nô đùa, tập thể dục, thể thao thường xuyên.
– Tập cho trẻ thói quen đi đại tiện đúng giờ quy định. Nên chọn thời gian lúc nào trẻ không vội vã, thường nên chọn sau bữa ăn vì lúc này nhu động ruột hoạt động tăng, nên tránh bắt trẻ ngồi bô hoặc ngồi bệ xí quá lâu.
– Trường hợp trẻ bị nứt hậu môn cần rửa sạch hậu môn, bôi dung dịch natri bạc 2%.
Nếu trẻ có biểu hiện táo bón nặng như: táo bón kéo dài gây nứt hậu môn, táo bón ở trẻ mới sinh gây ra chướng bụng,…mẹ nên cho bé tới gặp bác sĩ để được tư vấn hợp lý.