Trong thời gian mang thai, mẹ thường có cảm giác tê và đau các ngón tay, cảm giác đau giống như kim châm, nhất là khi ngón tay bất động quá lâu. Cảm giác tê và đau thường tập trung ở ngón trỏ, ngón cái, ngón giữa. Và các ngón tay thường cử động co bóp khó khăn, triệu chứng đau tăng mạnh vào ban đêm.
Triệu chứng này thường xuất hiện từ tháng mang thai thứ 5 – thứ 6, thời điểm mà mắt cá và chân dễ sưng phù, khi mẹ bầu tăng cân mạnh. Với những cơn đau nhẹ và nhất thời, mẹ bầu nghỉ ngơi sẽ giảm đau, tuy nhiên ở nhiều bà bầu triệu chứng này kéo dài đến vài tháng.
Chúng ta cùng đi tìm hiểu nguyên nhân và cách khắc phục tình trạng trên nhé
Nguyên nhân:
- Nguyên nhân chủ yếu của chứng bệnh này là khi rãnh cổ tay (các ống thần kinh nối lên các ngón tay đi qua đây) bị sưng và co kéo các dây thần kinh. Áp lực từ rãnh cổ tay căng phồng sẽ gây ra tê, ngứa ran, nóng và đau các ngón tay, và thường lan lên cả cánh tay.
- Bên cạnh đó, khi mang thai, nội tiết tố trong cơ thể mẹ bầu thay đổi nhiều và một trong những sự thay đổi đó là thay đổi về các khớp. Các khớp bắt đầu giãn nở khi thai nhi phát triển như khớp ở vùng chậu, khớp tay,… gây đau nhức cho mẹ bầu.
- Ngoài ra, các mẹ bầu có công việc đòi hỏi phải sử dụng ngón tay nhiều như nhân viên văn phòng, đánh máy, thợ may cũng có thể bị đau khớp ngón tay khi mang thai.
Cách khắc phục
- Khi bị đau khớp ngón tay, thai phụ nên có chế độ dinh dưỡng hợp lý, chú ý bổ sung canxi và vitamin D trong các thực phẩm như trứng, cua, cá, sữa… Ngoài ra mẹ bầu nên ăn nhạt để giảm tích nước trong cơ thể, từ đó có thể giảm phù tay.
- Mẹ bầu nên thay đổi tư thế nằm để trọng lực không đè lên các khớp ngón tay, mẹ cũng không nên lấy tay gối đầu khi ngủ. Nếu cảm thấy đau nhức, tê tay, mẹ có thể vẩy tay hoặc xoa bóp nhẹ cho đến khi cơn đau hay tê mỏi giảm bớt.
- Bên cạnh đó, mẹ cần thường xuyên vận động các ngón tay, cánh tay hàng ngày, tránh các công việc đòi hỏi sự hoạt động của bàn tay theo cách lặp đi lặp lại vì chúng có thể làm tình trạng tê thêm nặng.
- Các mẹ có thể chườm lạnh vào các ngón tay bị đau để giúp giảm đau, không nên chườm nóng vì có thể làm tình trạng sưng nề tăng thêm.
- Cuối cùng mẹ có thể kết hợp ngâm tay vào chậu nước có một vài giọt tinh dầu lavender hay hoa cúc để giảm đau.
- Nếu cơn đau nhức tăng và kéo dài, mẹ bầu nên trao đổi với bác sĩ để có những tư vấn hợp lý. Các mẹ bầu khi bị đau khớp ngón tay chú ý không sử dụng thuốc giảm đau khi chưa có chỉ định của bác sĩ.