Thời kỳ ăn đặc của bé gồm 3 giai đoạn
1. Giai đoạn ăn bột
Bắt đầu từ 4 tháng trở đi, mẹ có thể cho bé nhấm nháp một chút bột được rồi. Trong giai đoạn này nên mua bột dinh dưỡng đóng hộp của các hãng có uy tín. Vì bé chưa ăn được nhiều nên bạn không cần mất công nấu nướng. Hơn nữa, bột dinh dưỡng có chứa đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho trẻ
2. Giai đoạn ăn cháo
Khi bé được 9-10 tháng (hoặc có thể sớm hơn) và đã ăn được kha khá, bạn có thể nấu cháo cho bé ăn. Không nên chỉ hầm xương lấy nước, vì nước ngọt của xương hoàn toàn không cung cấp đủ chất dinh dưỡng, mà bé cần ăn cả xác thịt, cá, rau củ. Nên hầm riêng một nồi cháo nhừ. Mỗi bữa ăn của bé, bạn múc cháo ra và cho thịt, cá, rau củ vào nấu chín từng bữa, thêm dầu ăn cho bé ăn. Nấu cho bé, bạn nên nêm thật nhạt. Nếu không có mắm muối mà bé vẫn ăn ngon thì càng tốt.
Lúc đầu dùng rây thưa tán cháo. Sau đó, chỉ cần băm nhuyễn thịt, cá và rau củ là được. Bạn nên tập dần cho bé quen từ thức ăn nhuyễn đến hạt lợn cợn và cuối cùng là cho ăn cơm.
3. Giai đoạn ăn cơm
Khi có đủ răng (20 cái), bé mới có thể nhai cơm thật kỹ. Bạn nên nấu cơm mềm và dằm nát cho trẻ ăn. Tập cho trẻ ăn các loại rau, củ bằng cách nấu canh rau đay, canh mồng tơi, canh bí đỏ, canh súp (nấu với cà rốt, khoai tây, súp lơ, su hào). Nên cắt ngắn rau cho bé dễ nhai, không bị học cọng rau.
Bữa ăn của trẻ phải bao gồm đầy đủ 4 nhóm dinh dưỡng chính:
Tinh bột: gạo, khoai, nui, bánh mì…
Chất đạm: cá, thịt, trứng, tôm, cua, đậu hũ…
Rau, trái cây: Ngoài việc cho bé ăn rau, củ, nên cho bé ăn trái cây tươi: nho, cam, quýt, chuối, đu đủ…
Dầu thực vật: Tốt nhất nên dùng dầu mè, dầu ô-liu, dầu hướng dương (trộn vào chén bột, cháo)
Ăn dặm không thể hoàn toàn thay thế sữa. Khi bé không bú mẹ nữa thì bạn nên thay thế sữa mẹ bằng sữa bột. Có thể cho bé bú bình hoặc uống bằng ly. Sữa là nguồn dinh dưỡng tốt, giàu canxi nên cực kỳ quan trọng với trẻ. Bạn cần tập cho trẻ thói quen uống sữa mỗi ngày cho đến lúc trưởng thành.
Khi nấu cho trẻ, nên linh động trong thực đơn mỗi bữa: ví dụ trưa ăn tôm thì chiều ăn thịt, món rau cũng thay đổi như vậy. Tránh không lặp đi lặp lại một công thức dễ khiến bé ngán ăn và gây ra thừa hoặc thiếu các dưỡng chất.
Không nên nêm nhiều muối vào thức ăn của trẻ vì không tốt cho thận của trẻ, có nguy cơ cao huyết áp khi lớn lên. Chỉ nên dùng muối i- ốt cho trẻ.
Ngoài cơm, bạn cũng nên tập cho trẻ ăn bún, mì, nui, bánh mì, ngũ cốc. Sự phong phú thức ăn khiến trẻ cảm thấy mới mẻ và hào hứng. Hơn nữa tập cho trẻ dễ dàng tiếp cận và hòa mình với thế giới xung quanh. Nhưng bé cũng có thể không sốt sắng nếm thử những thức ăn mới lạ. Hãy cho bé thời gian để làm quen với thức ăn. Đừng cố ép bé ăn nếu như bé đã cảm thấy vừa no. Một bữa ăn dinh dưỡng là một bữa ăn cung cấp đầu đủ dưỡng chất theo chế độ hợp lý. Thiếu và thừa dinh dưỡng đều không tốt cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ.