Bệnh sâu răng sữa ở trẻ em thường thấy ở khắp nơi, tỷ lệ sâu răng cao nhất ở các nước đang phát triển, trẻ em có điều kiện sống kém, trẻ sơ sinh có cân nặng thấp khi đến tuổi nhà trẻ mẫu giáo dễ bị sâu răng. Dưới đây là một số quan niệm sai lầm rất phổ biến còn tồn tại trong suy nghĩ của nhiều vị phụ huynh, vô tình làm hỏng hàm răng của con.
Sai thời điểm đánh răng sau khi ăn
Trong một số trường hợp, đánh răng ngay lập tức sau khi ăn sẽ làm tăng nguy cơ bị mòn răng. Ngay sau khi bé ăn những đồ ăn chứa axit như cam, chanh, bưởi… cần phải đợi sau 30 phút mới cho bé đánh răng. Đánh răng quá sớm sau ăn có thể làm hại đến men răng vì lúc này, men răng đang ở trong tình trạng khá yếu.
Trái lại, đối với những đồ ăn chứa hàm lượng tinh bột và đường cao, vi khuẩn sẽ tấn công men răng ngay sau khi ăn được khoảng 20 phút. Do đó, đánh răng ngay sau khi ăn những thực phẩm này sẽ loại bỏ được nguy cơ bị vi khuẩn tấn công men răng.
Không thường xuyên đánh răng
Đây là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến sâu răng. Răng cần phải được làm sạch thường xuyên nhất là sau khi ăn và uống. Nếu không thực hiện đều đặn sẽ tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và có thể gây nên những biến chứng nặng nề.
Đánh răng không đúng cách
Đánh răng thường xuyên là một trong các cách bảo vệ răng miệng, tuy nhiên, đánh răng như thế nào thì không phải ai cũng nắm rõ. Việc đánh răng không đúng cách không những không ngăn cản được vi khuẩn xâm nhập, mà còn có thể gây tổn thương lợi, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây bệnh viêm lợi nướu.
Không đánh răng vào buổi tối
Các bậc phụ huynh vẫn dạy bé đánh răng buổi sáng nhưng lại quên mất việc đánh răng buổi tối. Những mảng bám, thức ăn thừa và vi khuẩn trong miệng có thể sinh sôi cực nhanh trong khi bé ngủ và khiến hàm răng bị tổn thương, dễ gây sâu răng, hình thành các ổ vi khuẩn trong miệng.
Răng sữa chỉ mọc tạm thời, không cần chăm sóc
Quan niệm cho rằng không cần quan tâm đến răng sữa của bé vì sẽ có răng vĩnh viễn thay thế là hoàn toàn sai lầm. Mầm răng sữa chính là nền tảng định hướng cho răng vĩnh viễn mọc lên. Do vậy, nếu cha mẹ không chú ý chăm sóc ngay từ những chiếc răng sữa đầu tiên của bé, răng bé sẽ dễ bị nhiễm trùng, ảnh hưởng đến răng vĩnh viễn.
Không dùng kem đánh răng
Nhiều bố mẹ không cho trẻ sử dụng kem đánh răng vì lo ngại trẻ sẽ nuốt bọt kem. Nhưng như thế sẽ không thể loại bỏ hết vi khuẩn trong miệng và không phát huy hết tác dụng của việc đánh răng. Các bậc phụ huynh nên sử dụng các loại kem đánh răng dành riêng cho trẻ nhỏ.
Ngoài ra, lựa chọn kem đánh răng không phù hợp có thể khiến men răng và tủy răng của bé bị hủy hoại. Nguyên nhân là do răng trẻ mềm và dễ thẩm thấu các chất hơn răng người lớn.
Sâu răng là “chuyện nhỏ”
“Trẻ con đứa nào chẳng sún răng!” – Đó là quan niệm rất phổ biến của nhiều bậc phụ huynh với suy nghĩ, sau này những chiếc răng sâu đó cũng sẽ gãy và có răng mới thay thế. Tuy nhiên, sâu răng ở trẻ nếu không được chữa trị kịp thời có thể dẫn đến các khiếm khuyết về phát âm, thiếu ngủ, thậm chí khiến bé tự ti ở trường và kết quả học tập kém. Răng sâu còn ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của răng trưởng thành sau này. Nhiều trường hợp răng sâu nặng, trở thành vật cản khiến việc nhổ bỏ để có chỗ cho răng vĩnh viễn mọc lên vô cùng khó khăn, phải nhờ đến sự can thiệp của nha sĩ và nhiều biện pháp phức tạp.
Thường xuyên cho con ăn vặt
Nếu thường xuyên ăn nhẹ hoặc uống nước ngọt, acid có nhiều thời gian hơn để tấn công răng. Đây cũng là lý do vì sao cha mẹ được khuyến khích không để cho trẻ sơ sinh dùng bình chứa đầy sữa, nước trái cây hoặc các chất lỏng có chứa đường trước khi đi ngủ. Các chất trong nước giải khát sẽ ứ đọng lại trên răng, gây ra xói mòn.
Tự nhổ răng cho trẻ
Khi thay răng sữa, nhiều cha mẹ không đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được khám răng và nhổ răng mà tự nhổ ở nhà. Điều này rất nguy hiểm vì có thể khiến bé bị chảy nhiều máu, ảnh hưởng đến dây thần kinh dưới chân răng, đặc biệt là khiến răng vĩnh viễn của bé dễ mọc lệch. Trẻ phải đối mặt với nhiều vấn đề như khó khăn trong ăn uống, nói năng, thẩm mỹ…
Để con có thói quen ngậm thức ăn
Ngậm thức ăn rất lâu trong miệng mà không chịu nhai là thói quen ở rất nhiều trẻ nhỏ. Điều này dễ khiến sự phát triển hàm ở trẻ không cân xứng. Răng không được cọ xát với thức ăn, dễ khiến cho các loại vi khuẩn phát triển gây sâu răng, bệnh nha chu, sưng lợi ở trẻ.