Nấm miệng Candida là bệnh thường gặp ở trẻ em, khi trẻ đã bị nấm candida có thể làm trẻ biếng ăn, ăn không ngon, bỏ ăn vì đau miệng. Lâu dần dẫn tới suy dinh dưỡng độ 1. Ngoài ra, trẻ còn bị đau rát họng, kích thích, nôn ói. Khám miệng bé thấy các mảng trắng như sữa phủ trên nền hồng và dính chặt vào niêm mạc lưỡi, má…, khó bóc tách và khi cố bóc tách có thể gây chảy máu cho bé, chúng ta cần biết cách điều trị và phòng ngừa cho trẻ.
1. Điều trị nấm miệng cho trẻ
Để điều trị nấm candida cho trẻ, chúng ta có thể dùng biện pháp rơ miệng tại chỗ cho bé bằng thuốc kháng nấm. Cách này sử dụng nếu trẻ khỏe mạnh và bị nấm nhẹ, rơ lưỡi sẽ giúp loại bỏ những yếu tố thuận lợi cho nấm Candida ở miệng phát triển gây bệnh, đồng thời tăng cường vệ sinh răng miệng cho trẻ.
Nystatin dạng uống được nghiền nát hay dạng bột hòa nước để rơ miệng tại chỗ là chọn lựa an toàn cho bé. Tuy nhiên hoạt chất này có vị hơi khó chịu cho bé. Miconazole dạng gel dùng rơ miệng tại chỗ có hiệu quả hơn so với nystatin rơ miệng cho trẻ bị nấm miệng Candida và mùi vị được các trẻ thích hơn. Mặc dù có hiệu quả, Fluconazole không được dùng ngay cả cho trẻ có hệ miễn dịch bình thường. Thuốc tím Gentian có thể hiệu quả nhưng đồng thời có thể gây loét niêm mạc và làm bẩn da, áo quần của bé. Nếu trẻ dưới 1 tuổi thì không nên dùng mật ong để rơ lưỡi cho bé. Vì trong mật ong có thể chứa bào tử vi khuẩn clostradium botulinum, có thể chuyển thành vi khuẩn sống có độc, gây bệnh nguy hiểm và ngộ độc cho trẻ. Nếu bé nhà bạn khoẻ mạnh và đã trên 1 tuổi, bạn có thể dùng mật ong rơ lưỡi, miệng cho con.
2. Rơ miệng khiến trẻ dễ chịu
Khi rơ miệng sẽ làm cho bé khó chịu và dễ bị nôn trớ, tốt nhất hãy rơ lúc bé còn đói và làm theo cách sau: Người mẹ cần vệ sinh tay thật sạch sau đó lấy miếng gạc rơ miệng quấn quanh ngón tay và nhúng trong nước sôi để nguội để làm mềm miếng gạc rơ miệng nhằm tránh cọ xát mạnh làm đau bé. Sau đó thấm ngón tay có gạc vào thuốc chống nấm Nystatin hay Miconazole với lượng vừa đủ. Nếu nấm miệng xuất hiện ở nhiều nơi, nên rơ theo thứ tự từ hai bên má, vùng khác trong vòm miệng và rơ lưỡi sau cùng, từ ngoài vào trong để giảm thiểu nguy cơ nôn ói cho trẻ. Những trẻ bị nấm candida thì chỉ cần rơ miệng bằng thuốc là có thể điều trị khỏi, chỉ một số hiếm trường hợp phải dùng thuốc uống tác dụng toàn thân như những trường hợp không đáp ứng thuốc kháng nấm bôi tại chỗ và đối với những bé bị suy giảm hệ miễn dịch.
3. Nguyên nhân khiến nấm miệng kéo dài hoặc tái phát sau điều trị ở trẻ
Một số trẻ bị nấm miệng được điều trị đúng thuốc, đủ thời gian nhưng sau đó hay bị tái phát, hay kéo dài là do bị tái nhiễm từ các dụng cụ sinh hoạt có nhiễm nấm Candida chưa được làm sạch như các núm vú giả, bàn chải, đồ chơi mà trẻ hay dùng thường ngày. Trẻ còn bú mẹ bị tái nhiễm có thể do núm vú mẹ đang bị nấm Candida (núm vú mẹ đau, rát, bỏng, ngứa hay xuất hiện ban màu hồng…), khi đó nên bôi thuốc chống nấm lên núm vú của mẹ. Trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi mắc nấm miệng thường do vật dụng có mang nấm Candida hay núm vú mẹ nhiễm nấm truyền sang cho bé. Trẻ trên 6 tháng tuổi mắc nấm miệng thường do dùng các loại thuốc kháng sinh kéo dài, hay bị suy giảm hệ miễn dịch.
4. Một số chú ý khi điều trị bệnh nấm miệng cho trẻ
Bệnh nấm miệng cần được phát hiện kịp thời để có hướng điều trị đúng, tránh tình trạng để lâu lớp nấm trong miệng sẽ dày, khi rà miệng để tẩy các mảng nấm có thể sẽ để lại lớp niêm mạc bên dưới trầy đỏ và đôi khi gây chảy máu khiến trẻ bị đau.
Mẹ nên rơ miệng cho bé sau khi ăn khoảng 2 giờ để thức ăn xuống hết tá tràng, tránh gây nôn và để tăng thời gian bé tiếp xúc với thuốc.
Sau khi miệng bé đã hết nấm, mẹ nên tiếp tục rà miệng cho trẻ thêm 2 – 3 ngày với thuốc kháng nấm để làm sạch miệng bé. Có thể rơ miệng cho trẻ tối đa 3 – 4 lần/ngày, nhiều nhất 7 ngày.
Khi sử dụng biện pháp rơ miệng mà trẻ vẫn không đỡ, các mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương pháp điều trị mới.
Tuyệt đối không cậy những chấm trắng trên lưỡi trẻ vì có thể làm trẻ chảy máu dẫn đến nhiễm trùng lưỡi, khiến bệnh lan rộng và nặng hơn.
Khi sử dụng thuốc rơ miệng, tốt nhất mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để đảm bảo an toàn cho bé.
Để việc điều trị bệnh nấm miệng ở trẻ được hiệu quả, mẹ cần giữ vệ sinh miệng lưỡi cho bé, thường xuyên vệ sinh vật dụng ăn uống của bé . Hấp hoặc luộc núm vú, bình sữa trong 5 – 7 phút sau mỗi lần bú.
5. Cách phòng ngừa bệnh nấm miệng tái phát
Dân gian có câu “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Vì vậy, để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra, mẹ nên phòng bệnh nấm miệng cho trẻ khi vừa mới chào đời bằng cách:
– Vệ sinh sạch sẽ khoang miệng, lưỡi của trẻ đúng cách và thường xuyên.
– Cho trẻ uống nước lọc để làm sạch miệng và lưỡi sau khi bú, ăn bột.
– Đôi khi cho trẻ dùng ít dung dịch nước muối sinh lý 0,9% để súc miệng.
– Riêng trẻ sơ sinh, mẹ cần dùng gạc mềm và sạch, thấm miếng nước muối sinh lý để lau lưỡi cho trẻ. Còn với trẻ lớn hơn một chút thì lúc đầu mẹ có thể vệ sinh miệng giúp trẻ, nhưng sau đó mẹ hãy dạy trẻ cách tự vệ sinh và súc miệng. Đặc biệt là mẹ phải hạn chế không cho con ăn vặt, ăn bánh kẹo, uống nước ngọt vào buổi tối để không tạo môi trường thuận lợi cho nấm sinh sôi.