Một số trẻ rất hay ghen tị và phản ứng khi phải chia sẻ tình yêu thương với các anh (chị) em ruột trong nhà, một số đứa trẻ khác lại dễ dãi hơn trong chuyện này.
Thực tế cho thấy, khoảng cách tuổi giữa anh (chị) em trong nhà được cho là yếu tố ảnh hưởng đến mức độ ghen tị. Các nhà khoa học cho rằng, khoảng cách từ 2 đến 4 năm thường tạo ra sự ghen tị mạnh mẽ nhất, trong khi vấn đề này sẽ trở nên dễ dàng hơn nếu khoảng cách tuổi giữa các trẻ dưới 18 tháng, hoặc lớn hơn 4 năm.
Mặc dù sự ghen tị được cho là bình thường, nhưng nó cũng làm trẻ cảm thấy không yên tâm, buồn bã và thậm chí còn có thể phá hỏng mối quan hệ giữa các anh em ruột trong nhà.
Một số trẻ rất hay ghen tị và phản ứng khi phải chia sẻ tình yêu thương với các anh (chị) em ruột trong nhà |
Chuẩn bị tâm lý khi trẻ có em
Trong khi vợ chồng bạn đang vô cùng hồi hộp vì sắp có thêm một em bé, thì rất có thể đứa con của bạn lại không có cùng cảm giác này. Cũng có khi đứa trẻ rất vui mừng. Bạn có thể áp dụng những biện pháp sau để hạn chế cảm giác ghen tị của trẻ khi em ra đời:
Hãy giải thích trước: Nên nói trước với bé là bạn đang mang thai và rằng gia đình sẽ có thêm một em bé. Chín tháng là khoảng thời gian dài với trẻ nên có lẽ không cần thông báo quá sớm, tuy nhiên không nên để con bạn được nghe thông tin này từ người khác.
Hãy làm cho trẻ yên tâm: Nếu đứa trẻ tỏ ra lo lắng hoặc buồn bã, hãy an ủi cho bé yên tâm và hãy dành cho cháu thật nhiều thời gian và sự quan tâm nếu có thể.
Hãy thành thật: Nên giải thích với con bạn rằng nó sẽ được làm anh (hay chị) và em bé còn nhỏ lắm chưa biết làm gì nên cần được mọi người giúp đỡ, nhất là anh (hay chị). Bạn cũng cần nói trước với trẻ rằng khi mới sinh ra, em bé có thể sẽ khóc rất nhiều, nhưng đó chỉ là cách giao tiếp với mọi người thôi, vì em chưa biết nói.
Hãy cho trẻ cùng tham gia: Khi có thể, hãy cho trẻ cùng tham gia vào việc chuẩn bị cho sự ra đời của em bé, chẳng hạn như trang trí phòng hay đi mua sắm quần áo và đồ chơi.
Tránh xáo trộn nếp sống: Việc cha mẹ cùng con đọc sách về trẻ sơ sinh (hoặc có in hình bé sơ sinh) cũng sẽ giúp trẻ dần quen với ý nghĩ gia đình của nó sắp có thêm em. Cho dù con bạn là trai hay gái, đều có thể được luyện tập trước với búp bê.
Kết nối tình anh – em
Nên nói trước với bé là bạn đang mang thai và rằng gia đình sẽ có thêm một em bé |
Khi em bé ra đời, rất có thể con bạn thấy tức giận và buồn bã. Hãy thử áp dụng những gợi ý sau để giúp cháu giải tỏa những cảm giác đó:
Khuyến khích con bạn cùng chăm sóc em bé, chẳng hạn nhờ bé lấy tã cho em hoặc tìm đồ chơi cho em, nhưng không ép buộc nếu bé không muốn làm.
Bạn cần để mắt khi con bạn tới gần em bé, và chỉ nên cho con vuốt ve em bé một cách nhẹ nhàng khi có bạn ở bên. Hiện tượng “yêu em quá” như ôm em quá chặt hoặc thơm quá mạnh… sẽ ảnh hưởng không tốt đến đứa trẻ sơ sinh.
Hãy giải thích cho con bạn rằng em bé rất yêu anh (chị) – chẳng hạn vào lúc em cười.
Một số trẻ rất thích nhận quà từ em bé (hãy giải thích là em bé nhờ gửi qua bố mẹ).
Dành thời gian cho con lớn
Hãy dành một khoảng thời gian, chẳng hạn vào lúc em bé đã ngủ, mẹ và con cùng đọc sách và chơi với nhau…
Hãy dành cho đứa con lớn của bạn một số ưu ái vì giờ đây nó đã là anh (hay chị), chẳng hạn như được đi ngủ muộn thêm 10 phút hoặc được phép tự chọn quần áo… và nhấn mạnh rằng, em bé không được may mắn tự làm những việc này, ít ra là chưa.
Yêu cầu bạn bè và người thân trong gia đình quan tâm đến con lớn của bạn, chứ không chỉ tập trung vào em bé.
Lớn lên cùng nhau
Đôi khi càng lớn, những đứa con của bạn càng hay ghen tị với nhau. Một số đứa trẻ chỉ khó chịu khi em bắt đầu biết đi và biết chiếm đồ chơi của mình. Đứa em nhỏ có thể bắt đầu ghen tị khi anh (chị) mình bắt đầu đi học.
Bạn sẽ nhận thấy con mình đang trải qua những giai đoạn khác nhau – chúng có thể là bạn thân của nhau, rồi lại chí chóe lẫn nhau. Hãy coi điều này hết sức bình thường. Nếu bạn nghĩ các con mình sẽ không bao giờ hợp nhau thì đừng ép buộc. Tốt hơn nên để cho chúng có bạn bè riêng và tham gia những hoạt động riêng.
Nếu có điều kiện, mỗi đứa trẻ trong gia đình nên có một không gian riêng. Nếu nhà chật, có thể chỉ dành cho mỗi đứa một ngăn kéo riêng hoặc hộp đựng đồ riêng – một chỗ để cho trẻ cất những đồ “quý giá” của chúng.
Tránh so sánh trẻ với nhau, đặc biệt tránh tình trạng một đứa được khen thật nhiều. Sự so sánh và thiếu công bằng sẽ làm cho anh chị em trong nhà càng ganh đua nhau, làm cho ít nhất một đứa bị căng thẳng và những đứa khác có thể tự mãn.