Những việc làm hàng ngày tuy đơn giản nhưng it ai ngờ từ những thói quen nho nhỏ sẽ khiến trẻ thông minh: Trò chuyện cùng trẻ, đọc sách cho trẻ nghe, để trẻ vui chơi lành mạnh… là những thói quen tốt cha mẹ cần duy trì để giúp bé thông minh.
1. Trò chuyện cùng trẻ
Kỹ năng bộc lộ cảm xúc, kỹ năng xã hội và khả năng tư duy như cơ bắp của con người. Nó bị teo nhỏ hay phát triển phụ thuộc vào chính cách rèn giũa của cha mẹ.
Những đoạn hội thoại dài giữa cha mẹ và con cái có tác dụng nuôi dưỡng trí não, tăng chỉ số IQ của bé rất hiệu quả. Các vị phụ huynh nên chú ý tâm tình, trò chuyện với con càng lâu càng tốt. Qua đó, trẻ sẽ cảm nhận được tình yêu của bố mẹ và có động lực phát triển về mặt cảm xúc, tinh thần.
2. Đọc sách cho trẻ
Những nghiên cứu đã chỉ ra rằng: Những trẻ có cha mẹ đọc sách cho nghe ít nhất 20 phút/ngày thì được 15 điểm, điểm số trong học tập của chúng sẽ cao hơn những bạn cùng trang lứa.
Mức độ đọc sách khi trẻ học lớp 3 sẽ ảnh hưởng tới thành tích học tập của trẻ ở bậc trung học. Vì thế hãy bắt đầu thói quen này từ sớm.
3. Để con vui chơi lành mạnh
Các trò chơi thúc đẩy trẻ phát triển các kỹ năng thực tiễn: ghi nhớ công việc, lý luận, linh hoạt, giải quyết vấn đề và làm chủ bản thân.
Đừng vì mong muốn con ngoan ngoãn, nghe lời răm rắp theo ý mình mà giám sát mọi hành động của bé. Điều này vô tình khiến khả năng tư duy, tự chủ của bé bị kìm hãm, không được phát triển.Bố mẹ nên nhớ, chỉ cần bé không hành động quá giới hạn, trái đạo đức thì hãy để con tự do hành động theo cách của mình.
4. Giới hạn thời gian xem tivi của trẻ
Xem tivi quá nhiều ảnh hưởng tới vùng điều khiển thị giác của não và phá hủy khả năng sáng tạo.
1+ số giờ xem tivi 1 ngày = ảnh hưởng tiêu cực tới khả năng tập trung và thành tích học tập.
Trẻ dưới 2 tuổi không nên xem tivi.
5. Cổ vũ “nghệ sỹ nhí”
Nếu hỏi trẻ: “Ai trong số các con muốn trở thành nghệ sỹ?” thì kết quả nhận được là:
– Trẻ mẫu giáo: Tất cả đều giơ tay và hào hứng nói:”Con, con, con là nghệ sỹ ạ.”
– Trẻ học lớp 3, tất cả cũng giơ tay nhưng khá rụt rè.
– Trẻ học lớp 6, chỉ 3-4 trẻ giơ tay nhưng khá lúng túng, ngượng nghịu.
Vì thế, khuyến khích sáng tạo cũng như để trẻ tự tin sáng tạo là yếu tố cần thiết tạo nên một nghệ sỹ trong tương lai.
6. Ôm ấp, vỗ về trẻ
Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy bé được mẹ ôm ấp thường xuyên sẽ tiết ra một loại hooc môn khiến bé an tâm, thoải mái, cảm xúc ổn định, não cũng tiết ra các hooc môn tăng trưởng giúp chỉ số IQ, khả năng hòa đồng xã hội của bé cao hơn, khả năng chịu đựng stress cũng lớn hơn. Ôm con vào lòng, âu yếm, trò chuyện, cười đùa và hát cùng con không chỉ thể hiện sự yêu thương mà đó còn là cách nuôi dạy con. Hơn thế nữa, nó tạo nền tảng để trẻ có bộ não phát triển tốt và khỏe mạnh.
7. Không quan trọng hóa chuyện “ngăn nắp và sạch sẽ”
Nhiều mẹ thường tự hào khoe con mình rất ngoan ngoãn và nề nếp: dùng đồ chơi cẩn thận, không làm hỏng hay xây xước đồ chơi, gót chân luôn hồng hào và sạch sẽ vì đi dép,… Tuy nhiên, xét trên một khía cạnh nào đó, “ngăn nắp và sạch sẽ” quá mức sẽ cản trở sự phát triển óc sáng tạo và tính ham học hỏi, khám phá của trẻ.
Đừng quát mắng con khi thấy bé tháo tung một món đồ chơi thành nhiều bộ phận, lè lưỡi liếm những hạt mưa đầu mùa hay nghịch trong vườn cây đến nhọ nhem tay chân, quần áo,… Những hành động đó thể hiện nhu cầu tìm hiểu, khám phá của trẻ. Điều tốt nhất là hướng dẫn con biết bảo vệ mình trước những nguy cơ tiềm ẩn để có thể nghịch ngợm và lấm bẩn một cách an toàn.
8. Chăm chút cho bữa sáng của con
Nhiều cha mẹ “đổ lỗi” cho việc mình quá bận rộn mà không chú tâm chuẩn bị bữa sáng cho con thật chu đáo. Tuy nhiên, chính việc ăn sáng điều độ, đúng giờ, đầy đủ chất dinh dưỡng lại là yếu tố quan trọng nuôi dưỡng trí thông minh của trẻ. Bữa sáng của bé cần được bổ sung nhiều protein, canxi, chất xơ và tinh bột để phục vụ cho hoạt động của não bộ trong suốt một ngày.