Thủy đậu là bệnh thường gặp ở trẻ em. Nguyên nhân là trẻ bị lây nhiễm do một loại siêu vi mang tên Varicella Zoster Virus (VZV) gây ra. Vậy, Thủy đậu có nguy hiểm đối với trẻ hay không? Dấu hiệu để nhận biết trẻ đã bị mắc bệnh là gì? Và cách xử lý như thế nào là đúng khi chẳng may trẻ mắc bệnh?. Để trả lời các câu hỏi trên, cha mẹ chúng ta cùng tìm hiểu nhé.
1.Triệu chứng của bệnh Thủy đậu ở trẻ em
Khi bắt đầu phát bệnh thủy đậu, trẻ có thể có biểu hiện như:
- Sốt nhẹ
- Đau đầu hay đau cơ.
- Mệt mỏi hoặc chán ăn.
Ở giai đoạn đầu, trẻ thường bị đau đầu, sốt, khó chịu, quấy khóc (trẻ sơ sinh), đau cơ, chán ăn. Tuy nhiên, có một số trường hợp không có triệu chứng báo động.
Ở giai đoạn tiếp theo mẹ sẽ thấy xuất hiện các mụn nhỏ màu hồng nhạt và sau 1 – 2 ngày xuất hiện các nốt đậu. Mụn nước mọc ở mặt, ngực sau đó đến lưng, và nhanh chóng sau 24 giờ có thể toàn thân. Phỏng nước chứa dịch mà trong, có thể màu đục nếu như bên trong chứa mủ. Các mụn thủy đậu mọc làm nhiều đợt khác nhau nên trên cùng một vùng da có thể có mụn đỏ rát, mụn nước trong, đục hoặc mụn đã đóng vảy.
Thường thì bệnh kéo dài từ 1 – 2 tuần. Trong giai đoạn cuối, các nốt thủy đậu đóng vảy và bay đi rất nhanh, nếu không bị biến chứng bội nhiễm thì sẽ không để lại sẹo. Sức khỏe của bé cũng phục hồi dần, giảm sốt, hạch sau tai hết, hết đau họng, ăn uống trở lại bình thường.
2. Cách chăm sóc trẻ khi bị bệnh Thủy đậu.
- Khi thấy triệu chứng trẻ bị bệnh Thủy đậu, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám và có chỉ định điều trị nội trú hay tại nhà. Nếu trẻ sốt cao bác sỹ sẽ cho trẻ sử dụng thuốc hạ sốt, kháng sinh và thuốc bôi ngoài da. Việc sử dụng thuốc nào phải theo chỉ định của bác sỹ, không được tự ý sử dụng thuốc cho bé, dễ dẫn đến những biến chứng khôn lường.
- Khi trẻ mắc bệnh thủy đậu cha mẹ cần cách ly trẻ với người khác để tránh lây nhiễm.
- Tất cả các đồ dùng cá nhân như khăn mặt, bàn chải đánh răng, chăn chiếu, bát đũa,… phải sử dụng riêng.
- Vệ sinh, tắm rửa sạch sẽ hàng ngày bằng nước ấm trong phòng tắm cho bé.
- Rửa tay, cắt móng tay và đeo găng tay cho trẻ tránh cào, gãi các nốt đậu khiến nốt đậu bị vỡ lây lan sang vùng da cạnh và để lại sẹo lõm.
- Ăn các thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu, uống nhiều nước, nhất là nước hoa quả.
- Dùng dung dịch xanh Milian (xanh Methylene) để chấm lên các nốt phỏng nước đã vỡ.
3. Những lưu ý khi trẻ mắc Thủy đậu
Khi trẻ mắc Thủy đậu. Nếu phát hiện trẻ có những triệu chứng sau cần đưa trẻ đến khám ngay tại các trung tâm y tế để được hướng dẫn điều trị.
- Bị sốt cao liên tục, không hạ sốt.
- Mụn nước, bóng nước xuất hiện ở toàn thân.
- Có mủ và tấy đỏ xung quanh các bóng nước.
- Trẻ có hiện tượng bỏ ăn kèm theo xuất hiện triệu chứng co giật.
4. Các biến chứng của bệnh Thủy đậu.
Bệnh Thủy đậu ở trẻ nhỏ tuy là bệnh lành tính nhưng lại có thể có rất nhiều các biến chứng và các biến chứng đều vô cùng nguy hiểm như:
- Viêm màng não
- Xuất huyết
- Nhiễm trùng nốt dạ, nhiễm trùng huyết, viêm gan….
Nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường, một số trường hợp có thể gây tử vong. Vì vậy khi trẻ mắc bệnh, cha mẹ nên chăm sóc trẻ đúng cách nhằm tránh các biến chứng nguy hiểm.