Theo thống kê thì có đến 50% trẻ nhỏ từ 19-24 tháng tuổi mắc chứng biếng ăn. Nếu tình trạng biếng ăn của trẻ kéo dài thì trẻ có thể bị suy dinh dưỡng và suy giảm sức đề kháng dẫn đến dễ bị mắc bệnh.
Vì vậy, các bác sĩ dinh dưỡng thường xuyên nghe thấy các bậc cha mẹ than phiền về tình trạng biếng ăn của trẻ, như:
“Tôi phải kiên nhẫn chờ bé ăn từng ít một, nhiều khi mất đến hai tiếng để bé ăn xong bữa”
“Khi bé cứng đầu không chịu ăn thì tôi la và bắt bé phải ăn”
“Tôi nghiền những thức ăn mà bé không thích như rau trộn vào với những thứ bé thích để bé không nhận ra”…
Chính những thói quen ép trẻ ăn tròn bữa, ép trẻ tiếp nhận lượng thức ăn quá nhiều… có thể gây tác dụng ngược, khiến trẻ phản kháng và càng không thích ăn. Ngoài ra, áp lực ăn uống cũng có thể gây ra những tác động tiêu cực cho trẻ và ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa, hấp thu các dưỡng chất thiết yếu cho sự phát triển toàn diện của trẻ.
Làm thế nào để trẻ ăn vui vẻ? Băn khoăn này của các phụ huynh được bác sĩ Nguyễn Văn Cường giải đáp: trẻ biếng ăn có thể bị suy dinh dưỡng và có thể suy giảm sức đề kháng, dẫn đến dễ bị mắc bệnh do thiếu hụt vi chất. Vì vậy các bậc cha mẹ thay vì có biện pháp phù hợp, khoa học thì lại ép trẻ ăn nhiều hơn và những mong muốn của bố mẹ lại tạo áp lực cho trẻ, trở thành cực hình với trẻ.
Giờ ăn là giờ vui
Để giúp trẻ không biếng ăn thì cha mẹ phải giúp bé cùng tạo thói quen ăn uống tốt bằng cách chính mẹ và cả cha cần làm gương, đừng ép buộc bé ăn. Nên để bé tự ăn, khuyến khích, khen ngợi khi bé chịu ăn; cho bé ăn thử, lựa chọn thức ăn theo ý muốn.
Khi cha mẹ cho con tự ăn, trẻ sẽ hứng thú hơn với những bữa ăn và ăn được nhiều hơn
Nhiều nghiên cứu của các chuyên gia dinh dưỡng cho thấy khi cha mẹ xúc thức ăn cho bé thì tần suất bé từ chối ăn sẽ nhiều hơn là cho bé được tự ăn. Khi tự ăn còn giúp bé hình thành tính tự lập nhiều hơn.
Ngoài ra, thái độ của người mẹ khi cho trẻ ăn cũng rất quan trọng. Trẻ biếng ăn sẽ tăng lên nếu bà mẹ có tính khí thất thường hoặc chính mẹ cũng kén ăn. Cách tạo ra thói quen ăn uống tốt cho trẻ là đảm bảo không dọa nạt, không ép buộc bé ăn hết phần ăn của mình.
Không nên chiều chuộng bé quá mức và cũng không nên quá khắt khe vì như thế sẽ tạo nên sự căng thẳng trong giờ ăn của bé. Ngoài ra, cha mẹ nên chú ý và biết khi nào con mình đói hoặc no, món nào bé thích ăn hoặc không thích. Một số biện pháp khác để kích thích bé quan tâm đến bữa ăn là cha mẹ có thể không cho bé ăn một số thức ăn bé sẽ càng thèm món đó hơn …
Để giờ ăn là giờ vui của trẻ, các bậc cha mẹ chú ý không la hét, không đôi co với trẻ chuyện ăn uống; không “treo thưởng” vì ăn chỉ là “phần tất yếu của cuộc sống”; không nên kéo dài bữa ăn quá 20 phút (cả gia đình cùng ăn). Nên để bé biết thế nào là đói, là no. Cha mẹ làm gương ăn uống cho bé và tạo không khí vui vẻ trong bữa ăn, khi đó bữa ăn trở thành một niềm thích thú cho các thành viên trong gia đình.
Ngoài ra để trẻ thích thú với thức ăn và có sức khỏe, cha mẹ cần lựa chọn thực phẩm tươi và sạch; để trẻ tự quyết định lượng thức ăn thì mới “giải phóng” được áp lực lên cả con trẻ lẫn cha mẹ.