Đầu năm 2010, đệ nhất phu nhân Mỹ, Michelle Obama, kêu gọi một chiến dịch toàn quốc chống lại nạn béo phì ở trẻ em. Sự kiện này tạo ra những phản ứng trái chiều ở quốc gia này
Đài CNN dẫn lời bà Obama: “Chúng tôi buộc phải hành động vì ngày nay khoảng 1/3 trẻ em ở Mỹ bị thừa cân hoặc béo phì, là nguyên nhân gây ra các căn bệnh hiểm nghèo như tiểu đường và huyết áp cao. Chiến dịch này giúp nâng cao sức khỏe ở trẻ em, hoàn toàn không có mục đích cải thiện ngoại hình”.
Đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama đá banh với trẻ em ở Washington vào đầu tháng 5 trong chiến dịch chống béo phì. |
Vấn đề sức khỏe nghiêm trọng
Tổng thống Barack Obama bày tỏ sự ủng hộ bằng quyết định ký một biên bản ghi nhớ thành lập đội đặc nhiệm chuyên trách về vấn nạn béo phì ở trẻ em. Ông phát biểu rằng: “Béo phì là một trong những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nhất mà nước Mỹ phải đối mặt ngày nay”. Chiến dịch này tập trung chủ yếu vào khẩu phần ăn ở các trường học. Theo đó, tất cả các trường học khắp nước Mỹ phải bảo đảm rằng khẩu phần ăn của họ phải bao gồm nhiều trái cây, rau quả hơn đồng thời thức ăn ít chất béo, đường và muối hơn.
Tuy nhiên, Lesley, một công dân Mỹ có tuổi thơ bị béo phì đã cảm thấy bao tử mình như thắt lại khi biết chiến dịch này mặc dù xét về bản chất, nó không hề mang tính chất kỳ thị. Anh bày tỏ cảm nghĩ:
Tôi nhận ra rằng phương pháp tiếp cận này chẳng chóng thì chầy trở thành một chiến dịch chống lại trẻ em béo phì, những người đã đấu tranh mạnh mẽ để phản đối nền văn hóa cho rằng bạn càng to béo bạn càng ít khả năng phát triển. Trước đó, tôi có một cuộc sống năng động và khỏe mạnh, sự mũm mĩm của tôi không gây cho tôi khó khăn gì trong việc bắt kịp chúng bạn. Khi lớn hơn, tôi nhận ra rằng sự thừa cân mang lại rất nhiều rắc rối cho cuộc sống của tôi: Những đứa trẻ béo phì chơi thể thao rất tệ, thường bị chế giễu và lúc nào cũng là sự lựa chọn cuối cùng. Do vậy tôi ngừng chơi thể thao. Tôi sợ hãi khi phải trải qua những cuộc kiểm tra thể chất hằng năm ở trường học.
Tác động của định kiến xã hội
Ở trường tiểu học, tôi bắt đầu ăn kiêng và buộc phải tuân thủ một khẩu phần ăn vô cùng nghiêm ngặt. Tôi buộc phải ăn các loại thực phẩm “không ca-lo và giá trị dinh dưỡng” như rau diếp, giấm thơm, dưa chua. Kết quả là tôi giảm được vài cân nhưng sau đó lại dừng hẳn. Tôi ăn ít rau diếp và thế là đâu lại vào đấy.
Tôi bắt đầu tập thể dục bằng cách đi bộ những quãng đường rất dài cho đến khi tôi tự hài lòng là mình vẫn có thể duy trì được tốc độ trong khi đôi chân đau nhói. Công bằng mà nói, tôi đã chăm chỉ luyện tập hết sức nhưng tôi vẫn không tài nào hiện thực hóa được ước mơ có một thân hình cân đối.
Sau một thập kỷ ăn kiêng và chăm chỉ tập thể dục, hy vọng và mong ước trở thành một người không béo phì đã tan biến. Tôi không còn lựa chọn nào cả. Tôi vẫn là một đứa trẻ béo phì, bây giờ tôi chắc chắn mình có cuộc sống của một người lớn béo phì. Giải pháp duy nhất và cuối cùng là tôi phải chấp nhận nó. Tôi nhận ra rằng không phải vì sự mũm mĩm của bản thân mà tôi ghét các bài tập thể dục, chính định kiến xã hội đã tạo ra nó; cũng không phải vì chứng béo phì của mình mà tôi cảm thấy thua kém và bị những người xung quanh cô lập; đó chính là loại văn hóa đã quả quyết rằng những người thừa cân buộc phải cô độc, đau khổ và bị ghẻ lạnh. Nếu tôi không cảm thấy đơn độc, có lẽ tuổi thơ và thời niên thiếu của tôi ắt hẳn sẽ rất khác.