Hiện đang là thời điểm vào mùa sốt dịch, tại Hà Nội, số trẻ mắc sốt đang có biểu hiện gia tăng. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong số khoảng 100-120 trẻ đến khám mỗi ngày, có tới 1/3 là trẻ bị sốt virus.
Bệnh do nhiều loại virus gây ra, nhưng hay gặp nhất là virus đường hô hấp. Do đó, bệnh dễ lây thành dịch, có nhiều trường hợp cả gia đình cùng mắc sốt virus. Bệnh có biểu hiện chủ yếu là sốt ở nhiều mức độ, kéo dài từ 1-2 ngày đến hàng tuần, tùy theo từng người. Ngoài ra còn có các biểu hiện như đau đầu, đau toàn thân, mệt mỏi, ho, chảy nước mũi, hắt hơi, có thể kèm theo cả nôn, tiêu chảy, đau khớp (ít gặp)…
Bệnh thường tự khỏi và hiện không có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ có các thuốc điều trị hỗ trợ để giảm triệu chứng tránh biến chứng nguy hiểm hoặc hỗ trợ nâng cao sức đề kháng…
Trẻ điều trị tại Khoa Nhi – Bệnh viện Bạch Mai
Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, điều đáng lo ngại là nhiều trẻ mắc sốt virus bị phụ huynh tự ý cho uống kháng sinh, hạ sốt… khiến điều trị không hiệu quả, mà còn khiến trẻ thêm mệt mỏi và gây hại cho sức khỏe. Còn người lớn mắc sốt virus thể nhẹ hay coi thường bệnh, không nghỉ ngơi, không chú ý phòng bệnh… khiến virus lây lan sang người khác, nhất là trẻ nhỏ. Đặc biệt, không rõ nguyên nhân từ đâu, nhiều người cho rằng truyền dịch sẽ điều trị được sốt, khiến cơ thể hết mệt mỏi, khỏe lên…
Theo PGS.TS Dũng, chưa có tài liệu y khoa nào chứng minh truyền dịch có thể hạ sốt, đó là chưa kể rất nhiều rủi ro nguy hiểm do tiêm truyền khi cơ thể đang mệt mỏi có thể xảy ra cho người bệnh.
PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng khuyên, cách phòng bệnh tốt nhất là ăn uống đủ dinh dưỡng, uống đủ nước, tập luyện thể thao, giữ gìn vệ sinh thân thể để tăng sức đề kháng. Trẻ em mắc bệnh cần được nghỉ học, tuyệt đối tránh tự điều trị và cần đi khám ngay nếu có dấu hiệu bất thường