Những nghiên cứu gần đây khẳng định giai đoạn từ 0 đến 6 tuổi được ví như thời kỳ vàng của sự phát triển não bộ, chiếm vị trí hết sức quan trọng so với giai đoạn phát triển sau 6 tuổi của trẻ em. Biết cách ươm mầm những tố chất trong những năm đầu đời của trẻ sẽ giúp trẻ bộc lộ những khả năng tiềm ẩn ngay từ khi còn nhỏ.
Hàng năm ở Việt Nam có hàng triệu học sinh tốt nghiệp phổ thông, nhưng chỉ có một số có định hướng rõ ràng là sẽ thi vào trường đại học, cao đẳng nào, còn đa số “lạc lõng”, mất phương hướng, không biết mình sẽ xin học trường chuyên nghiệp nào, trường dạy nghề nào, vì chính họ cũng không hiểu mình muốn gì và làm được gì. Bản thân các bậc phụ huynh cũng rơi vào tình trạng đó.
Không phải ngẫu nhiên mà ở các nước tiên tiến, nhà trường phối hợp cùng gia đình giáo dục hướng nghiệp cho trẻ ngay từ khi chúng học mẫu giáo và tiểu học chứ không đợi đến khi trẻ học hết lớp 12 mới quan tâm đến việc hướng nghiệp như ở Việt Nam. Những năm đầu đời của trẻ là những năm rất quan trọng khi 95% tiềm năng trí thức của con người được hình thành trước 5 tuổi. Những nghiên cứu gần đây khẳng định giai đoạn từ 0 đến 6 tuổi được ví như thời kỳ vàng của sự phát triển não bộ, chiếm vị trí hết sức quan trọng so với giai đoạn phát triển sau 6 tuổi của trẻ em. Biết cách ươm mầm những tố chất trong những năm đầu đời của trẻ sẽ giúp trẻ bộc lộ những khả năng tiềm ẩn ngay từ khi còn nhỏ.
Có rất nhiều nhân tố tác động đến việc quyết định tương lai của một đứa trẻ. Trong đó, gia đình là một nhân tố không thể thiếu.
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho rằng: “Việc làm đầu tiên của các gia đình là sớm phát hiện, nâng đỡ những ý thích, những say mê, những hoài bão của mỗi đứa trẻ. Có thể có ý thích, say mê không phù hợp với mong muốn của cha mẹ hoặc có những đam mê vượt quá những ngưỡng cho phép thì cha mẹ cũng phải biết cách ứng xử. Đừng sớm bóp chết, thổi tắt đam mê của trẻ khi chúng thể hiện hết năng lực cố gắng của mình.”
Theo TS.Lâm, gia đình phải luôn biết quan tâm, tìm hiểu xem trẻ có những năng lực, sở trường gì, cá tính của chúng ra sao, thiên hướng phát triển của chúng sẽ là người như thế nào để từ đó giúp trẻ định hướng được con đường sẽ đi trong tương lai một cách rõ ràng.
Thực tế cho thấy, những đứa trẻ được tạo càng nhiều cơ hội tiếp xúc, khám phá các sở thích và đam mê khác nhau càng có khả năng được làm công việc chúng yêu thích. Khi trẻ lớn, gia đình có thể giúp chúng xác định rõ hướng đi để ứng dụng được các năng lực đặc biệt của mình. Bằng cách sớm phát hiện, nâng đỡ những ý thích, say mê, những hoài bão của mỗi đứa trẻ, tạo điều kiện cho trẻ tự tìm hiểu mình, các bậc phụ huynh đã đóng góp rất lớn trong việc giúp con định hướng nghề nghiệp sau này.
Ở Nhật Bản, trẻ em được phép lao động dưới dạng một khu vui chơi có đủ loại ngành nghề trong xã hội. Điều này giúp trẻ được đóng vai những người lao động thực thụ trong các ngành nghề mà các em mơ ước được làm trong tương lai. Đây là một mô hình xã hội thu nhỏ giúp các em làm quen với môi trường lao động ngoài xã hội để khi các em lớn lên, những khái niệm và sự nhận biết về một loại hình nghề nghiệp nào đó đã được định hình một cách rõ ràng; đồng thời khiến các em không còn cảm thấy lúng túng khi bước ra xã hội và cũng bớt gánh nặng cho các bậc phụ huynh khi đưa ra lời khuyên cho con trong bước đường hướng tới tương lai.
Giúp trẻ định hình được nghề nghiệp của chúng khi trưởng thành ngay từ khi còn nhỏ là một biện pháp giáo dục tốt mà không phải ở nước nào cũng làm được. Khi Việt Nam hội nhập với thế giới, việc đầu tư cho trẻ em lại càng quan trọng hơn bao giờ hết.
Chăm sóc và giáo dục trẻ em chính là đầu tư cho tương lai của đất nước. Đây không chỉ là nhiệm vụ của gia đình, nhà trường mà của toàn xã hội. Chính vì vậy, việc chú trọng ươm mầm, chăm sóc và nuôi dường ước mơ cho con ngay từ những năm đầu đời là cầu nối vững chắc cho tương lai.
Cùng mục đích trên, tại Hà Nội, vào dịp Tết thiếu nhi 1/ 6 tới đây, Công ty CP VinDragon sẽ chính thức ra mắt mô hình “ Công viên việc làm thu nhỏ”, mô hình giáo dục kỹ năng sống và kỹ năng hướng nghiệp cho trẻ em lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam. Đây là một hoạt động nằm trong khuôn khổ Triển lãm- Hội chợ “ Thế giới tuổi thơ” lần thứ 13 và Triển lãm “ Thiết bị và đồ chơi cải cách giáo dục mầm non” được tổ chức thường niên do 4 cơ quan chỉ đạo thực hiện: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Chương trình sẽ kéo dài từ ngày 28/5- 1/6 tại Trung tâm triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt nam số 2 Hoa Lư, Hà Nội.
Mô hình ” Công viên việc làm thu nhỏ” là một mô hình khép kín trong đó các ngành nghề được chia theo từng khu vực, ví dụ Khu Bệnh Viện, Khu Truyền hình, Khu Xây dựng.v.v. Trong các khu nghề này, trẻ em ở độ tuổi từ 4-15 sẽ được học và tự tay làm các công việc với những kỹ năng đơn giản mà hàng ngày người lớn vẫn làm như: chăm sóc các bệnh nhân, làm phát thanh viên, phóng viên, thiết kế nhà cửa, nội thất, xây dựng, phục vụ bàn.v.v… trong một không gian tương đối giống thật.