Trẻ em ngày nay đang phải đối mặt với những áp lực tâm lý như thành tích học tập, học thêm nhiều để trở thành “thần đồng” hoặc các hoạt động ngoại khóa dày đặc, nỗi sợ bị điểm kém, sợ thua sút bạn bè…
Về lâu dài, nỗi lo lắng và áp lực tâm lý sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển và sức khỏe của bé. Nếu con bạn nằm trong trường hợp này, hãy giúp trẻ cân bằng lại cuộc sống bằng những cách đơn giản sau:
Không cười nhạo trẻ: Mặc dù rất thương con, nhưng nhiều bậc phụ huynh vẫn vô tình làm tổn thương trẻ khi cười nhạo cảm xúc của chúng và cho rằng “con khéo lo”. Bạn nên trân trọng những nỗi buồn phiền của bé và khuyến khích bé chia sẻ cùng cha mẹ để có những giải pháp tốt nhất.
Chân thành lắng nghe: Một cái ôm vỗ về, một ánh mắt trìu mến, hoặc dành thời gian nghe những tâm sự của bé cũng đủ sức mạnh giúp trẻ bớt lo lắng. Thậm chí, nếu con bạn là đứa trẻ ít nói, hãy cho trẻ thấy rằng, bạn sẵn sàng ngồi bên cạnh trẻ và luôn yêu thương bé dù có bất cứ chuyện gì xảy ra.
Dẫn bé đi chơi: Khi làm việc căng thẳng, bạn cần khoảng không xanh mát để nghỉ ngơi và thư giãn. Trẻ cũng thế. Những lúc bé bắt đầu mệt mỏi với đống bài tập hoặc có dấu hiệu bị ức chế bởi thời khóa biểu dày đặc, hãy giúp bé giải tỏa sự căng thẳng bằng cách dẫn bé đi dạo công viên, hít thở không khí trong lành, ăn kem hoặc làm những việc bé thích như dạo nhà sách, vẽ tranh… Hơn nữa, vận động ngoài trời sẽ giúp cơ thể bé khỏe mạnh và đầu óc sảng khoái, dễ tiếp thu bài vở hơn sau khoảng thời gian dài miệt mài bên đống sách vở.
Sinh hoạt đúng giờ: Trẻ sẽ không dám ăn hoặc chưa đi ngủ khi bài tập chưa hoàn thành với nỗi lo sợ bị thầy cô hoặc cha mẹ la mắng. Do đó, hãy chú ý quan tâm đến giờ giấc ngủ nghỉ, ăn uống để trẻ có thể hoạt động suốt ngày. Giấc ngủ đủ với thực đơn phong phú sẽ tạo cảm giác thoải mái, giúp trẻ vượt qua mọi nỗi lo lắng. Từ đó việc học tập sẽ tốt hơn.
Tránh tạo ra thời khóa biểu dày đặc: Lịch học chính khóa, các môn học thêm ngoài giờ, học đàn, vẽ, võ từ sáng đến chiều tối, từ ngày này qua ngày khác của các bậc phụ huynh chỉ khiến trẻ thêm sợ hãi. Một bộ máy khi hoạt động hết công suất sẽ mau chóng giảm năng suất và cho những kết quả tồi tệ. Hãy chủ động điều chỉnh việc học tập của bé để bé tận hưởng những tháng ngày tuổi thơ, vui chơi cùng bạn bè và gia đình.
Tìm một bác sĩ tâm lý: Nếu bạn cho rằng, mọi nỗ lực giúp bé vượt qua những muộn phiền hoặc sợ hãi sau một sự kiện quan trọng trong gia đình như cha mẹ ly thân hoặc người thân qua đời, hãy tìm đến một bác sĩ tâm lý để có hướng điều trị đúng đắn cho trẻ.
Dạy trẻ làm việc có tổ chức: Hãy nói cho trẻ hiểu rằng, thế giới đang không ngừng vận động và mỗi cá nhân phải tự vận động để theo kịp nhịp sống hiện tại. Mỗi người đều chịu những áp lực công việc như nhau, do đó cách làm việc khoa học chính là yếu tố quyết định sự thành công. Hãy dạy trẻ luôn bình tĩnh giải quyết mọi khó khăn và làm những việc quan trọng theo thứ tự ưu tiên giảm dần. Có như thế trẻ mới tự mình vượt qua mọi lo lắng và trưởng thành hơn trong cuộc sống.